Châu Á tăng tốc đi đầu trong chiến lược tiêm chủng trên toàn cầu
(Dân trí) - Một số quốc gia ở châu Á hiện đang trên đà vượt mặt Mỹ trong chiến lược tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân, mở ra nhiều hy vọng cho cuộc sống bình thường mới lâu dài hơn.
Vài tháng trước, Mỹ và châu Âu tăng tốc chương trình tiêm vắc xin Covid-19, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từng được ca ngợi vì chống dịch thành công, đã phải vật lộn trong làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Delta.
Mặc dù đã đóng cửa nghiêm ngặt, nhưng số ca nhiễm ở các nước châu Á vẫn tăng vọt. Vào mùa hè qua, Hàn Quốc phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất trong khi đó các bệnh viện ở Indonesia cạn kiệt nguồn oxy và giường bệnh. Các nhân viên y tế ở Thái Lan phải từ chối bệnh nhân…
Thành phố Sydney ở Australia ra lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 6 sau khi một tài xế xe chưa tiêm vắc xin nhiễm chủng Delta từ một thành viên phi hành đoàn người Mỹ.
Khi các ca bệnh gia tăng, các quốc gia nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận và giờ đây, một số quốc gia châu Á đang trên đà vượt mặt Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng, từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới. Sự thay đổi này một minh chứng thành công đáng nể của khu vực này
Tại Australia, vào tháng 7, Thủ tướng Scott Morrison, đã thúc đẩy chương trình tiêm chủng kêu gọi người dân đi tiêm. Ông Morrison đã nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng như sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt vắc xin.
Khi dịch bùng phát, chưa đến 25% người Australia trên 16 tuổi được tiêm một. Giờ đây, ở bang New South Wales, bao gồm cả Sydney, 86% dân số trưởng thành hiện đã được tiêm liều đầu tiên và 62% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Quốc gia này dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số trên 16 tuổi vào đầu tháng 11.
Chính phủ Nhật Bản đã điều động quân đội để điều hành các trung tâm tiêm chủng ở Tokyo, Osaka và yêu cầu các công ty tiêm vắc xin cho nhân viên sau những chỉ trích ban đầu về việc chậm triển khai chiến dịch tiêm chủng. Tỷ lệ người được tiêm ở Nhật Bản hiện ở mức 69,6%, vượt Mỹ. Ở một số vùng nông thôn, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt gần 100%. Các ca nhiễm nặng đã giảm một nửa trong tháng trước, xuống còn hơn 1.000/ngày. Số ca nhập viện đã giảm mạnh từ mức cao 230.000 vào cuối tháng 8 xuống còn khoảng 31.000 vào hôm 28/9.
Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách cho biết, vắc xin đã giúp ngăn tình trạng nhiễm nặng và nhập viện. Khoảng 0,6% những người được tiêm đầy đủ nhiễm Covid-19 bị nặng và khoảng 0,1% tử vong, theo dữ liệu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc thu thập từ tháng 5 đến tháng 8. Các nhà chức trách nước này cũng đã nới lỏng các hạn chế vào tháng 8 với những người đã được tiêm đầy đủ, trong khi vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm.
Singapore đã tiêm đầy đủ cho 82% dân số và mở cửa dần dần, thích nghi với cuộc sống bình thường mới.
Cho đến nay, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia thậm chí đã vượt Mỹ về tỷ lệ tiêm vắc xin trên 100 người dân, một con số dường như không thể tưởng tượng được vào đầu năm nay.
Tiến sĩ Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vắc xin Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul chuyên tập trung nghiên cứu vắc xin cho các nước đang phát triển, cho biết: "Điều đó gần giống câu chuyện thỏ và rùa. Các nước Châu Á luôn sử dụng nguồn vắc xin ngay khi có".
Tuy nhiên, châu Á vẫn đối mặt một số rủi ro và cần luôn thận trọng. Hầu hết các nước không tự sản xuất vắc xin riêng và có thể đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung nếu quyết định tiêm liều tăng cường. Tại một số nơi ở Đông Nam Á, việc triển khai diễn ra chậm chạp và không đồng đều, gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.