1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Á "nín thở" trước cuộc gặp của ông Trump và ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore có thể sẽ tác động đến tình hình địa chính trị ở châu Á.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Hãng tin CNBC của Mỹ nhận định, hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể làm thay đổi bức tranh an ninh toàn cảnh ở châu Á cho dù họ đạt được hay không đạt được thỏa thuận.

Chìa khóa cho thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là cam kết giải trừ hạt nhân hoàn toàn của Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng từng tuyên bố chỉ thực hiện khi Mỹ rút 28.500 binh sĩ khỏi Hàn Quốc.

Song một kịch bản như vậy cũng không làm yên lòng các đồng minh của Mỹ ở châu Á, những nước đang phụ thuộc rất lớn vào các cam kết an ninh của Washington.

Ngược lại, nếu Mỹ và Triều Tiên không thể đạt được thỏa thuận dưới bất cứ hình thức nào, Mỹ có thể tính đến phương án tấn công phủ đầu Triều Tiên, đồng nghĩa với việc khu vực châu Á cũng không yên ổn.

Như vậy, cho dù kết quả thế nào, các nước châu Á cũng đều phải thận trọng.

Đạt thỏa thuận

Nếu ông Kim Jong-un đồng ý giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn để có được các nhượng bộ từ Mỹ như dỡ bỏ trừng phạt, rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, thì thời gian và tiến độ thực hiện sẽ là vấn đề được quan tâm.

"Nếu việc rút quân là kịch bản trong tương lai xa thì châu Á có lẽ ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu kịch bản này diễn ra trong vòng 5 năm tới cùng với việc tiền đổ vào Triều Tiên, liên minh Mỹ-Hàn suy yếu, thì Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ phải lo ngại", Sharon Squassoni, cựu giám đốc điều phối chính sách tại Cơ quan về chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là giáo sư nghiên cứu tại Đại học George, nhận định.

Binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc kể từ những năm 1950 và kế hoạch rút quân nếu xảy ra thì tiếp đến có thể Mỹ sẽ đóng cửa các căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Điều này tất nhiên sẽ khiến hai đồng minh của Mỹ bất an, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (IISS) nhận định.

Hơn nữa, việc giải trừ quân bị của Mỹ có thể khiến Hàn Quốc và Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên khi cả hai nước này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Bình Nhưỡng.

"Bất cứ thỏa thuận nào nhằm loại bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên với Mỹ thì lại khiến Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ từ một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên", Troy Stangarone, giám đốc tại Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc nhận định.

Một số nước trong khu vực có thể hy vọng rằng, việc Mỹ rút lực lượng ở Nhật Bản và Hàn Quốc đồng nghĩa với việc Washington sẽ định hình lại lực lượng nhằm đối phó tốt hơn với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. "Song không có gì đảm bảo điều này sẽ xảy ra", chuyên gia Stangarone nói.

Không đạt được thỏa thuận

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 không đạt được thỏa thuận nào, giới chức Mỹ và Triều Tiên có thể cho rằng chiến lược ngoại giao đã thất bại, khi đó phương án quân sự là lựa chọn duy nhất.

"Nếu các bên không đạt được thỏa thuận nào, gần như chắc chắn phương án quân sự sẽ được tính đến khi Mỹ muốn loại bỏ mối đe dọa Triều Tiên", các chuyên gia của IISS nhận định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nguy cơ xung đột quân sự không quá gần nếu Mỹ tiếp tục chính sách gây sức ép kinh tế để buộc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hội nghị Mỹ-Triều có thể không đạt được một thỏa thuận đột phá nhưng có thể kết thúc bằng những cam kết chung chung. "Khi đó, kết quả đàm phán sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến châu Á bởi đó là những cam kết không hề mới", chuyên gia Squassoni nói.

Chuyên gia Stangarone thì cho rằng, hội nghị Mỹ-Triều có thể chỉ kết thúc bằng một tuyên bố khung.

Minh Phương

Theo CNBC