Châu Á háo hức chờ đợi nhật thực dài nhất TK 21
(Dân trí) - Những người “ngắm trời” hiện đang đổ về nhiều địa điểm, từ bãi đỗ xe ở miền tây Ấn Độ đến lễ hội âm nhạc ở đảo xa của Nhật để chứng kiến sự kiện NASA miêu tả là nhật thực toàn phần “dài khác thường” quét qua nửa vòng trái đất hôm nay.
Người Ấn Độ háo hức thử kính để chuẩn bị quan sát nhật thực.
“Đặc biệt, mọi người ở toàn bộ Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể quan sát thấy ít nhất là một phần của mặt trời bị che khuất trong ngày”, ông nói.
Đường đi của nhật thực toàn phần trải khắp trung tâm của châu Ấ, từ vịnh Cambay của Ấn Độ, qua Himalayas rồi ngang qua Trung Quốc, các đảo ở miền nam Nhật Bản.
Mặc dù nhật thực dài nhất xảy ra ở trên Thái Bình Dương, kéo dài 6 phút 39 giây, nhưng người dân ở một số khu vực tại Trung Quốc và Nhật Bản được chứng kiến hiện tượng này kéo dài tới 6 phút. Đây là dự đoán của Fred Espenak, trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA.
Đường đi của bóng mặt trăng rộng 258km, đi qua 15.150km nửa vòng trái đất và kéo dài tổng cộng gần 3 tiếng rưỡi, Binzel cho biết.
Các nhà dự báo thời tiết dự báo sẽ có bão vào sáng ngày hôm nay ở Thượng Hải, nhưng dự đoán không ngăn được các nhà thiên văn cũng như khách du lịch đổ tới thành phố này.
Giáo sư Zhao Junliang, thuộc Đài quan sát thiên văn Thượng Hải cho biết thời tiết có thể khó đoán nhưng không chứng kiến sự kiện lịch sử này thì quả là một sai lầm.
“Năm 1987, tôi đã đuổi theo nhật thực toàn phần ở Tân Cương. Lúc đó, mặt trời hoàn toàn bị mây bão che khuất. Hai phút trước khi nhật thực bắt đầu, mây đột nhiên tan”, Zhao cho biết. “Bạn không thể biết trước được, vì vậy cứ phải đi”.
Còn Rick Gille cùng vợ bay từ Atlanta, Georgia, Mỹ đến để xem nhật thực ở Thượng Hải. Họ đang hướng tới “đường trung tâm”, nơi nhật thực kéo dài tới gần 6 phút.
Họ trang bị camera kỹ thuật số độ phân dải cao và kính viễn vọng. Gille là người đi khắp thế giới để đuổi theo nhật thực. “Chúng tôi sẽ mặc áo phông có chữ “Nhật thực 2009””.
Nhật/nguyệt thực xảy ra khoảng một lần một năm hoặc ít thường xuyên hơn ở một số nơi trên bền mặt trái đất. Cũng có khi chỉ nhìn thấy ở trên một đường nhỏ, Benzil cho hay.
“Nhưng đường đi lần này bắt đầu vào lúc bình minh ở Ấn Độ và kết thúc vào lúc mặt trời lặn trên Thái Bình Dương, ngay phía đông Hawaii chỉ khoảng 4 tiếng sau đó. Đường đi của mặt trăng trải khắp bề mặt trái đất với tốc độ khoảng 3.000km/h”, ông cho biết. “Nhật thực bán phần cũng được quan sát thấy ở khắp Thái Lan và Việt Nam, cũng như ở tận Australia và Serbia”.
Ở một số nền văn hóa, xung quanh hiện tượng nhật/nguyệt thực còn có nhiều truyền thuyết và phong tục.
Tại Ấn Độ, nhật/nguyệt thực bị coi là điềm gở. Những phụ nữ có bầu bị cấm ra ngoài vì người ta tin rằng đứa bé trong bụng có thể được sinh ra với những “dấu tích” nào đó. Một số ngôi đền không tổ chức cầu nguyện vào ngày nhật/nguyệt thực.
Còn theo văn hóa truyền thống của Trung Quốc, có một câu chuyện về con chó thiên đàng ăn mặt trời. Khi sự việc xảy ra, mọi người sẽ khua chiêng gõ trống để xua đuổi con chó và cứu mặt trời, Bill Yeung, chủ tịch Hiệp hội thiên văn Hồng Kông cho hay.
“Thời xưa, chúng tôi có cùng chia sẻ với người Ấn Độ là nhật thực là điều không tốt”, ông cho biết trên CNN.
Trong ngày hôm nay, cũng sẽ có một số cách thức khác thường để chứng kiến nhật thực. Ví dụ như một chiếc du thuyền sẽ đi dọc đường trung tâm ở ngoài khơi Nhật Bản hay một chiếc máy bay Boeing 737-700 ở Ấn Độ sẽ “đuổi theo” nhật thực.
“Máy bay sẽ chặn ở giữa bóng của nhật thực vào 6h26 (giờ chuẩn của Ấn Độ) ở độ cao 12,5km”, công ty du lịch Cox & Kings India Ltd cho biết.
Ngoài ra, còn có những buổi tổ chức quan sát nhật thực đơn giản hơn ở dọc các bờ biển, công viên và các tòa nhà chọc trời tại Thượng Hải. Một lễ hội âm nhạc được tổ chức ở đảo Amani của Nhật với hơn 6.000 người dự kiến tham gia. Đài truyền hình Nhật cho thấy hàng hàng túp lều được mọc lên ở đảo Akusekijima.
Phan Anh
Theo CNN