1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung “người hùng giấu mặt” của Wikileaks

(Dân trí) - Ngay từ nhỏ, Julian Assange đã thường xuyên phải thay đổi chỗ ở vì cha mẹ ông điều hành một nhà hát lưu động tại Australia. Năm nay 39 tuổi, người sáng lập trang web Wikileaks lại một lần nữa lặp lại cuộc sống nay đây mai đó.


Chân dung “người hùng giấu mặt” của Wikileaks - 1
Ông chủ Wikileaks Julian Assange.

Assange đã bị truy nã ở Thuỵ Điển với cáo buộc hiếp dâm và quấy rối tình dục. Ông này cũng bị truy lùng khắp thế giới sau khi trang web WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu chứa các thông tin mật.

Nếu Assange thành công trong việc tạo ra một bức tường lửa xung quanh mình, điều đó có thể là vì ông này đã học được cách quen với sự cô đơn ngay từ khi còn nhỏ và thể hiện niềm đam mê máy tính tới nỗi có thể quên cả ăn.

Đam mê máy tính

Assange được bà mẹ Christine miêu là “rất thông minh”.

Năm 13 tuổi, bà Christine đã mua cho con trai một chiếc máy tính Commodore 64. Khi đó là năm 1987 và chưa có mạng internet. Assange đã nối một modem với máy tính và bắt đầu cuộc hành trình xuyên thế giới các mạng máy tính đang phát triển.

“Nó giống như là chơi cờ. Môn cờ vua rất đơn giản, không có nhiều luật lệ, không có sự cẩu thả nhưng bài toán rất hóc búa”, Assange từng nói với tạp chí New Yorker .

Bà Christine cho hay bà cảm nhận được rằng ngay từ nhỏ con trai bà đã có một mong ước mãnh liệt là thực hiện những điều Assange mong muốn.

“Assange là một cậu bé đáng yêu, rất nhạy cảm, giỏi chăm sóc thú cưng, hoà nhã và rất hài hước”, bà Christine nói với tờ Herald Sun.

Assange từng học toán và vật lý tại Đại học Melbourne.

Trong các cuộc phỏng vấn, tính chính xác về khoa học được thể hiện rất rõ. Assange nói với giọng trầm, âm vực vừa phải và chọn từ ngữ rất kỹ càng. Assange rất kín đáo về đời tư và hiếm khi mất bình tĩnh trong các cuộc thảo luận về những tiết lộ thậm chí gây tranh cãi nhất trên WikiLeaks.

Assange, một cựu hacker, tự nhận là người có khả năng tấn công vào hệ thống máy tính tinh vi nhất. Nhưng ông này cũng đãng trí tới mức có thể quên tới một cuộc phỏng vấn đã hẹn. Trong các cuộc trò chuyện, Assange đã tiết lộ nhiều sở thích: từ máy tính đến văn học cho tới du lịch tại châu Phi.

Sau lần đột nhập đầu tiên vào các máy tính, Assange đã thâm nhập vào mật mã máy tính và ngày càng tỏ ra thích thú với chủ đề an ninh máy tính. Assange từng kể một câu chuyện về cách làm thế nào để gây ra một rắc rối mật mã dựa trên việc thay đổi các con số.

Bài viết của New Yorker, xuất bản hồi đầu năm nay, đã miêu tả cách Assange tấn công vào cổng kiểm soát cổng chủ của công ty viễn thông Nortel vào năm 1991.

Assange từng kết hôn và có con năm mới 18 tuổi nhưng cuộc hôn nhân đã đổ vỡ. Người vợ rời bỏ Assange, để lại đứa con thơ dại. Assange từng bị buộc tội 31 tội danh vì tấn công các máy tính tại Australia nhưng cuối cùng chỉ trả một khoản nhỏ tiền phí thiệt hại, theo tờ New Yorker.

Bảo mật thông tin

Từ mối quan tâm ban đầu về lỗ hổng của các mạng máy tính, tay Hacker trẻ sau đó đã bắt đầu hướng sự tập trung sang cái mà ông gọi là những việc làm sai trái của các chính phủ.

Assange được tin là từng sáng lập một blog có địa chỉ tại IQ.org, được đăng ký dưới cái tên là “JA” bởi cùng một công tên miền Mỹ giống Wikileaks. Địa chỉ thư tín tại Australia của trang này cũng giống địa chỉ được khai báo cho WikiLeaks.

Trong số vô vàn các chủ đề được viết trên blog, Assange đã thảo luận các vấn đề như toán học và triết lý, cái chết của nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut, công tác kiểm duyệt báo chí tại Iran…

Assange sáng lập WikiLeaks in 2006. Ông này thường ngủ rất ít và thỉnh thoảng còn quên ăn. Ông thuê các nhân viên và tranh thủ sự trợ giúp của những người tình nguyện.

Assange luôn bảo mật các nguồn tin của mình và không bao giờ tiết lộ các thông tin từ đâu ra.

“Mọi người phải hiểu rằng WikiLeaks là nguồn tin tin cậy nhất vì chúng tôi đăng tải các thông tin và các bài phân tích nguyên bản dựa trên các nguồn tin nguyên bản. Các tổ chức khác, ngoại trừ một số, đều không đáng tin cậy”, Assange từng nói.

WikiLeaks trở nên nổi tiếng hồi tháng 7 khi công bố 90.000 tài liệu mật về cuộc chiến tại Afghanistan. Đây được cho là vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Sau đó, vào tháng 10, WikiLeaks đã đăng tải các thông tin mật về cuộc chiến Iraq. Và tuần này, trang web bắt đầu tải lên mạng khoảng 250.000 tài liệu mật tiết lộ nhiều thông tin ngoại giao quan trọng của Mỹ.

Một số người khen ngợi WikiLeaks là đi đầu về tự do ngôn luận. Nhưng những người khác, trong đó có Lầu Năm Góc và các quan chức Nhà Trắng, xem nó là không thể chấp nhận được và muốn WikiLeaks im lặng vì cái mà họ gọi là tổn thại không thể bù đắp đối với an ninh toàn cầu.

Bỗng dưng nổi tiếng

Assange, chủ nhân công khai của WikiLeaks, bỗng dưng trở thành “ngôi sao”. Hình ảnh của Assange xuất hiện hàng loạt trên các kênh truyền hình và internet. Mọi người đều muốn biết làm thế nào mà tổng biên tập của WikiLeaks trở nên nổi tiếng.

Tạp chí Time thậm chí còn đề cử ông này là “Nhân vật của năm”, gọi Assange là “một kiểu người thổi còi mới… cho thời đại số”.

Nhưng sự nổi tiếng của Assange không dừng lại tại đó. Ngay sau khi các tài liệu về cuộc chiến Afghanistan được công bố, ông này trở thành tâm điểm của một vụ tội phạm tình dục tại Thụy Điển.

Tòa án hình sự Stockholm đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Assange 2 tuần trước vì bị tình nghi cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và sử dụng vũ lực trái phép trong các vụ việc riêng rẽ xảy ra hồi tháng 8. Ông này có thể bị tù 2 năm nếu bị kết án. Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) cũng phát lệnh bắt giữ Assange hôm thứ 1/12 theo yêu cầu của Thụy Điển.

Assange khẳng định vô tội và gọi các cáo buộc tại Thụy Điển là một chiến dịch bôi nhọ. Ông này cũng bác bỏ các thông tin về một cuộc chiến nội bộ trong WikiLeaks.

Người mẹ của Assange hôm 1/12 nói bà lo sợ cho sự an toàn của con trai. “Tôi lo sợ rằng vụ việc trở nên quá lớn và các thế lực mà Assange đang khiêu khích cũng quá lớn”.

An Bình
Tổng hợp