1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cảnh sát Philippines bị “tố” nhận tiền để giết nghi phạm ma túy

(Dân trí) - Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc các sĩ quan cảnh sát của Philippines nhận tiền từ các nhà chức trách để giết các nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy, thậm chí ngụy tạo bằng chứng giả và móc nối với các nhà tang lễ trong một “cuộc chiến đẫm máu nhằm vào người nghèo” ở nước này, theo Guardian.

Một nghi phạm ma túy giơ tay xin hàng khi bị cảnh sát vây bắt tại Philippines (Ảnh: Al Jazeera)
Một nghi phạm ma túy giơ tay xin hàng khi bị cảnh sát vây bắt tại Philippines (Ảnh: Al Jazeera)

Theo Guardian, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã điều tra 33 vụ giết người liên quan đến ma túy ở 20 thành phố và thị trấn khiến 59 người thiệt mạng trên khắp đất nước Philippines thời gian qua.

“Đa số những vụ giết người dường như là các vụ hành quyết không qua xét xử. Đây là những vụ sát hại bất hợp pháp và tùy tiện theo mệnh lệnh của chính phủ hoặc có sự thông đồng và chấp thuận của chính phủ”, báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hôm 31/1 cho biết.

Theo đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc cảnh sát Philippines trả tiền cho các sĩ quan thuộc lực lượng này cùng nhiều người khác để trừ khử các nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy, thêu dệt các chứng cứ và tự tạo ra các bản tường trình sau mỗi vụ giết người để chứng minh rằng họ giết các nghi can để tự vệ.

Đối với những vụ giết người được tiến hành trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của cảnh sát, báo cáo sau mỗi vụ việc của lực lượng này dường như được viết theo một kịch bản “giống nhau đến kinh ngạc”, đó là nghi phạm rút súng bắn vào cảnh sát và cảnh sát buộc phải bắn chết nghi phạm để bảo vệ mình, theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều nhân chứng trong cuộc điều tra khẳng định các nghi phạm ma túy đã tuyên bố đầu hàng, thậm chí quỳ gối van xin trước khi bị bắn. “Cảnh sát thường đạp cửa vào giữa đêm, sau đó giết chết những người không có vũ trang mà họ nghi là sử dụng hay buôn bán ma túy”, Tổ chức Ân xá Quốc tế viết trong báo cáo.

Cảnh sát giết người để trục lợi?

Các nhà hoạt động nhân quyền thắp nên cho các nạn nhân trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines (Ảnh: AP)
Các nhà hoạt động nhân quyền thắp nên cho các nạn nhân trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines (Ảnh: AP)

Theo báo cáo trên, cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã tạo ra “hoạt động kinh doanh không chính thức dựa trên sự chết chóc”, trong đó cảnh sát được hưởng lợi từ những vụ giết người. Báo cáo Tổ chức Ân xá Quốc tế dẫn lời kể của một nhân chứng về vụ việc xảy ra tại thành phố Cebu rằng, một đối tượng sử dụng ma túy có tên Gener Rondina đã bị cảnh sát bao vây từ bên ngoài căn nhà của anh này.

Theo lời nhân chứng, cảnh sát liên tục gõ cửa căn nhà của Rondina và khi họ bước vào, nghi can này đã hét lên: “Tôi sẽ đầu hàng, thưa các ngài”. Các nhân chứng sau đó đã nghe thấy nhiều tiếng súng và một lúc sau, thi thể của người đàn ông này được đưa ra ngoài. Các thành viên trong gia đình của Rondina sau đó cho biết họ phát hiện ra các vật dụng giá trị như máy tính xách tay, đồng hồ và tiền cũng biến mất và không được kê khai trong báo cáo hiện trường của cảnh sát.

Các nhà điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng trao đổi với 2 người được cho là những sát thủ chuyên nhận lệnh giết các nghi can ma túy. Các sát thủ này tiết lộ họ nhận lệnh từ một sĩ quan cảnh sát, người đã trả cho họ 5000 peso (khoảng 100 USD) cho mỗi vụ giết nghi phạm sử dụng ma túy, và từ 10.000-15.000 peso cho mỗi vụ giết nghi phạm buôn bán ma túy.

Một sĩ quan cảnh sát cấp cao giấu tên đã nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng một số cảnh sát còn móc nối với các nhà tang lễ để được nhận “hoa hồng” mỗi khi có một thi thể được chuyển tới đây. Theo quy định, các gia đình có người thân bị chết trong các chiến dịch truy quét tội phạm hợp pháp của cảnh sát Philippines sẽ được chính phủ trả tiền mai táng.

“Đôi khi, nếu tôi là một điều tra viên, (sau khi điều tra xong) tôi sẽ mang thi thể (của nghi phạm) tới nhà tang lễ đắt nhất và to nhất, vì họ sẽ trả hoa hồng cho tôi nhiều nhất”, sĩ quan cảnh sát tiết lộ.

Thông tin do sĩ quan cảnh sát trên cung cấp được cho là phù hợp với lời kể của nhiều nhân chứng là người thân của những nghi phạm bị giết hại. Họ thường than phiền với các nhà điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng thi thể người thân của họ thường được đưa tới những nhà tang lễ đắt đỏ, trong khi có nhiều nhà tang lễ rẻ hơn ở gần đó.

Chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động từ sau khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 6/2016 tính đến nay đã khiến hơn 7000 người thiệt mạng và vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Mặc dù vậy, ông Duterte tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch này cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2022. Tổng thống Philippines cũng khẳng định sẽ điều tra những vụ giết người bất hợp pháp và xử lý những cảnh sát thoái hóa biến chất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có báo cáo nào được đưa ra về bất kỳ trường hợp cảnh sát nào bị sa thải vì hành xử không đúng trong chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Duterte khởi xướng.

Thành Đạt

Theo Guardian