1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cảnh sát biển Việt Nam kiên cường trong mắt nhà báo Úc

(Dân trí) - Sau 5 ngày lênh đênh trên biển cùng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, nhà báo Úc Samantha Hawley đã ghi nhận cuộc sống khó khăn, tinh thần kiên cường và đầy yêu nước của các chiến sỹ.


Nhật ký về chuyến hành trình vừa được bà Hawley chia sẻ trên đài ABC của Úc. Theo đó, bà cùng một số ít phóng viên nước ngoài đã được theo chân lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trên tàu cảnh sát biển 2016, ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Thời điểm gần nhất, họ đã tiếp cận giàn khoan ở cự ly 8 hải lý.

Bà Hawley quay phim phiên làm việc của thủy thủ tàu cảnh sát biển CG 8003
Bà Hawley quay phim phiên làm việc của thủy thủ tàu cảnh sát biển CG 8003

Bồn chồn xen chút lo lắng sau bữa tiệc chiêu đãi tại Đà Nẵng mà bà Hawley miêu tả là “có cảm giác như bữa ăn tối cuối cùng”, cùng những lời căn dặn về khó khăn của chuyến đi, nữ phóng viên người Úc đã nhanh chóng nhận ra những thách thức khi bước vào hành trình.

Chuyến đi được thực hiện trong đêm tối, và khi bà tỉnh dậy và lên boong tàu thì nhận ra mình đang ở giữa biển cả mênh mông. “Bốn bề là đại dương và chúng tôi vẫn chưa tới đích”, bà Hawley viết. “Một quay phim của ABC đã không được phép lên tàu trong chuyến đi này do không có đủ chỗ, và tôi cũng ngày càng nhận ra rõ ràng rằng chuyến đi khó khăn ra sao”.

“Đầu tiên, việc tự quay phim là khó khăn, không chỉ bởi tôi không quen, mà còn bởi chúng tôi di chuyển trên vùng biển động, trên một chiếc tàu lắc lư. Một tay phải luôn giữ vào thành tàu, còn tay kia cầm máy quay. Thêm vào đó, tất cả mọi người đều không tránh khỏi bị say sóng, bao gồm cả một số thủy thủ và bản thân tôi”, bà Hawley chia sẻ.

Sau nhiều giờ hành trình, sang ngày thứ hai, các phóng viên được chuyển sang một tàu cảnh sát biển khác khi còn cách giàn khoan chừng 20 km, và tàu này sẽ đưa cả đoàn tới gần mục tiêu hơn.

“Nhưng khi chúng tôi đến nơi, thời tiết chuyển xấu, biển động mạnh hơn và chúng tôi mắc kẹt. Hầu như không thể di chuyển nổi trên chiếc tàu này, chưa nói gì đến việc chuyển tàu”. Và vậy là cả đoàn lại phải ở nguyên vị trí thêm một đêm nữa, trong tình trạng bị “ném từ bên này qua bên kia” trong khoang tàu do biển động.

Sang ngày thứ ba, khi biển bớt động, các phóng viên được đưa xuống xuồng cao su để chuyển sang tàu cảnh sát biển lớn hơn, số hiệu CG8003, và hình ảnh giàn khoan của Trung Quốc dần hiện ra dù ở cách xa 10 hải lý.

“Đột ngột chúng tôi bị tàu Trung Quốc bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng sau đó cho biết 17 tàu Trung Quốc đã bao vây chúng tôi. Căng thẳng trên biển giữa hai nước là rất thật. Từ loa phát thanh, tàu Việt Nam yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi, khẳng định họ đang vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền Việt Nam. Nhưng CG8003 sau đó thực sự bị truy đuổi”.

“Vị thuyền trưởng nói với chúng tôi rằng ông sẽ thực hiện một hành trình tương tự nữa trong sáng hôm sau. Kể từ khi giàn khoan được hạ đặt hồi tháng 5, mỗi ngày hai lần ông vẫn thực hiện hành trình đó, để thông báo tới phía Trung Quốc rằng họ không được chào đón trên vùng biển Việt Nam.

Lễ chào cờ thiên liêng và đầy lòng yêu nước của cảnh sát biển trong chuyến đi
Lễ chào cờ thiên liêng và đầy lòng yêu nước của cảnh sát biển trong chuyến đi

Sáng sớm ngày thứ tư của hành trình, “thủy thủ đoàn đã “chiêu đãi” chúng tôi bằng một buổi lễ thượng cờ và lòng yêu nước được thể hiện trọn vẹn. Không lâu sau, chúng tôi có chuyến đi thứ hai hướng về giàn khoan. Một lần nữa, ngay khi chúng tôi cách giàn khoan 8 hải lý, tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện để bao vây tàu Việt Nam”, vị nữ phóng viên thuật lại.

“Đó là một cảnh tượng rất căng thẳng, khi Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển chủ quyền của mình, và sau đó cuộc rượt đuổi lại bắt đầu. Đó thực sự giống như trò mèo bắt chuột, nhưng hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tổng cộng, có 10 tàu Trung Quốc đã tham gia, và lần này họ tiến lại gần tàu Việt Nam hơn rất nhiều”, bà Hawley khẳng định.

Việt Nam khẳng định mình đem đến một thông điệp hòa bình, và các vũ khí, vòi rồng trên các tàu được phủ bạt chính là biểu tượng cho điều đó. Nhưng trong khi tình hình hiện vẫn còn khá yên bình, nguy cơ tính toán sai lầm, hoặc có sự thay đổi về chiến thuật từ một bên nào đó có thể khiến cả hai nước rơi vào xung đột nghiêm trọng hơn nhiều.

Theo thông tin từ phía Việt Nam, Bắc Kinh huy động tới 119 tàu quanh giàn khoan, trong khi Việt Nam chỉ có 30 tàu.

Bà Samantha Hawley ngồi ăn cùng thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng (áo trắng)
Bà Samantha Hawley ngồi ăn cùng thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng (áo trắng)

Sang ngày thứ năm và cũng là ngày cuối cùng của hành trình, cả đoàn được đưa tới tiếp cận giàn khoan một lần nữa, trước khi trở về Đà Nẵng. “Nhưng lần này, chúng tôi hầu như không thể lại gần trước khi bị bao vây. Các tàu tuần tra Trung Quốc đã lượn nửa vòng tròn quanh tàu chúng tôi. Cảnh tượng giống như một cuộc chọi trâu. Tàu Việt Nam một bên, tàu Trung Quốc một bên.

Ngay khi tàu CG 8003 nhích lên, dù chỉ rất nhẹ, “con trâu” cũng lồng lên. Khoảng 10 tàu Trung Quốc bao vây chúng tôi. Tàu của chúng tôi vẫn phát đi thông điệp tuyên truyền qua loa phóng thanh, nhưng một tàu cảnh sát biển Việt Nam nhỏ hơn đi theo, đã tỏ ra quá chậm.

Chúng tôi quan sát và quay phim trong khi tàu Trung Quốc tiến gần đến độ có thể dễ dàng lao vào chiếc tàu kia. Nhưng việc đó không diễn ra. Tàu Trung Quốc áp sát như vậy trong vài phút rồi rút lui. Nhưng rõ ràng nó là một thông điệp cho phía Việt Nam rằng Trung Quốc có thể chiến thắng cuộc đấu này bằng sức mạnh”.

Thanh Tùng
Theo ABC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm