1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cảnh báo nguy cơ IS vươn "vòi bạch tuộc" sang Bắc Phi

IS hiện đang hưởng lợi trên chính những “hình ảnh xấu xa và tai tiếng” của mình tại Iraq và Syria, đồng thời đang mang lại mối đe dọa “trong ngắn hạn và dài hạn” tại Libya.

Trong bản báo cáo dài 24 trang được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 1-12, các chuyên gia của LHQ cảnh báo: cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện có khoảng từ 2.000 – 3.000 chiến binh tại Libya (theo số liệu của tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa ra ngày 29-11 là 5.000 chiến binh) và đang có ý định mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuy nhiên, để thực hiện được tham vọng này, IS sẽ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ người dân Libya, cũng như sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các liên minh trong khu vực.

Theo bảo báo cáo, IS hiện đang hưởng lợi trên chính những “hình ảnh xấu xa và tai tiếng” của mình tại Iraq và Syria, đồng thời đang mang lại mối đe dọa “trong ngắn hạn và dài hạn” tại Libya. Theo đó, con quái vật này coi Libya như “một cơ hội tốt nhất” để mở rộng phạm vi kiểm soát từ Iraq và Syria bởi Libya có vị thế chiến lược ở biển Địa Trung Hải và là một điểm trung chuyển ở Bắc Phi.

Bản báo cáo nêu rõ: “Các thủ lĩnh IS ở Iraq và Syria xem Libya như là cơ hội tốt nhất để mở rộng cái gọi là Vương quốc Hồi giáo của chúng. IS là một mối đe dọa trong ngắn hạn và dài hạn rõ ràng tại Libya”.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc kiểm soát Libya không chỉ tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như IS và các nhóm có liên hệ với Al Qaeda, gia tăng ảnh hưởng đối với những cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Bắc Phi và vùng Sahel, mà còn hình thành một vùng trú ẩn mới cho các phần tử khủng bố bên ngoài Trung Đông.

Trong khi đó, theo WSJ, hiện các thủ lĩnh IS đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các lực lượng khủng bố hãy tập trung về Libya để thực hiện ý đồ đánh chiếm các mỏ dầu và các nhà máy lọc dầu ở gần thành phố Sirte, nơi chúng vừa tuyên bố thiết lập một căn cứ quân sự mới.

Phản ứng trước các thông tin trên, Chính quyền được quốc tế công nhận của Libya ngày 1-12 bày tỏ mong muốn Nga can thiệp quân sự vào nước này nhằm chống lại sự xuất hiện ngày càng lớn mạnh của các tay súng IS tại nước này. Thủ tướng Libya Abdallah al-Thani tuyên bố chính phủ của ông sẵn sàng phối hợp hành động với Nga trong cuộc chiến chống IS nếu Moskva quyết định triển khai hoạt động quân sự tại Libya.

Cảnh báo nguy cơ IS vươn "vòi bạch tuộc" sang Bắc Phi - 1

Hiện có khoảng từ 2.000 – 3.000 phần tử IS tại Libya.

Ông al-Thani nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hoan nghênh các sáng kiến tích cực của bất kỳ nước nào hỗ trợ chúng tôi tái lập sự ổn định trong nước”. Trong khi đó, bên cạnh việc đề nghị các phe phái tại Libya tham gia lộ trình hòa bình và hòa giải trước khi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm xây dựng một Libya mới, Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng các nước láng giềng Libya lần thứ 7 diễn ra tại thủ đô Algiers của Algeria cũng hối thúc người dân nước này chống khủng bố.

Cũng liên quan tới tình hình khủng bố, phát biểu ngày 1-12 tại Paris (Pháp) trong khuôn khổ Hội nghị Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi hối thúc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng khép lại vụ Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại biên giới Syria và tập trung vào kẻ thù chung là IS.

Tổng thống Obama cho rằng, Moskva sẽ sớm phải thay đổi chiến lược trong cuộc chiến chống IS tại Syria, đồng thời ủng hộ một giải pháp chính trị nhằm tránh cuộc xung đột đẫm máu đã bước sang năm thứ 5 tại quốc gia Trung Đông này. Ông chủ Nhà Trắng nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của NATO và Washington ủng hộ quyền tự vệ của Ankara.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng ta có kẻ thù chung là IS và nước Mỹ muốn đảm bảo chắc chắn rằng hiện chúng ta đang tập trung vào mối đe dọa này”. Đồng quan điểm, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hối thúc Ankara và Moskva giảm căng thẳng và kiềm chế các hành động có thể đe dọa những nỗ lực chung trong cuộc chiến toàn cầu chống IS.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì khẳng định rằng, chiến dịch chống khủng bố của Ankara “không thực sự hướng đến IS mà là nhằm vào lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK)” do đây là nhóm phiến quân trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Carter nhấn mạnh, Mỹ vẫn muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải có nhiều hành động chống IS tích cực hơn, cả trên không lẫn trên bộ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng, địa thế đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sát với Iraq và Syria, khiến cho nước này trở thành một lợi thế cực lớn cho liên quân do Mỹ dẫn đầu. Từ đó, ông Carter nêu rõ, Ankara cần phải kiểm soát biên giới với Syria chặt chẽ hơn nhằm tránh để IS có cơ hội phát triển. Đây vốn là điều Ankara làm chưa tốt và cần phải củng cố lại bằng cả biện pháp trên không lẫn trên bộ.

Về phía Nga, tờ Al Rai của Kuwait ngày 2-12 đưa tin, Moskva đang có kế hoạch triển khai một phi đội chiến đấu cơ tại sân bay Shayrat, cách thành phố Homs (Syria) khoảng 35km về phía đông nam, để phục vụ cho việc không kích quân khủng bố tại đây.

Theo nguồn tin trên, “căn cứ Shayrat sở hữu 45 hanggar (nhà chứa máy bay) kiên cố, cho phép bảo vệ các máy bay trong trường hợp bị tấn công”. Việc thiết lập thêm một căn cứ không quân mới cho phép Nga tăng số máy bay của nước này tham chiến tại Syria lên 100 chiếc.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm