1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cận kề phá sản, Ukraine sẽ liều "uống thuốc độc"?

Theo dự kiến, ngày 22/6 Ukraine sẽ phải trả cho Nga 75 triệu USD – số tiền lãi từ khoản trái phiếu trị giá 3 tỉ USD do Ukraine bảo lãnh phát hành và được Nga mua trọn hồi cuối năm 2013.

Nếu không thực hiện cam kết này, Ukraine sẽ bị coi là phá sản - Thứ trưởng Tài chính Nga Sergey Storchak bình luận.

“Ngày 20/6 là thứ bảy, thế nên giao dịch liên quan đến khoản tiền lãi này sẽ được thực hiện vào ngày thứ hai, tức 22/6. Không trả lãi đồng nghĩa với phá sản. Đó là kịch bản không đem lại lợi ích gì cho Kiev và chúng tôi hy vọng tiền sẽ được trả đúng hạn”, ông Storchak phát biểu trên Kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 11/6.

Cận kề phá sản, Ukraine sẽ liều uống thuốc độc?
Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Bộ trưởng Tài chính Natalie Jaresko đang phải đối mặt với bài toán nan giải

Theo Thứ trưởng Tài chính Nga, Moskva và Kiev hiện không có các cuộc thảo luận về tái cấu trúc nợ, toàn bộ số nợ sẽ vẫn phải được thanh toán vào cuối năm nay đúng kế hoạch. Một nguồn tin chính phủ Ukraine nói rằng, Kiev không có dự kiến trả khoản tiền lãi vào tháng 6 và điều này cũng không ảnh hưởng tới việc Ukraine tiếp tục nhận được các gói hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Petro Poroshenko đã ký ban hành đạo luật cho phép chính phủ Ukraine hoãn trả nợ đối với một số khoản vay nước ngoài. Kiev xem trái phiếu mà Nga mua là “nợ tư nhân” do cựu Tổng thống Viktor Yanukovych thực hiện và vì thế thuộc diện có khả năng bị “đóng băng”. Nga có kế hoạch sẽ kiện Ukraine ra tòa án quốc tế nếu không thanh toán khoản vay dưới dạng trái phiếu này.

Liệu Ukraine có “uống rượu độc”?

Tại thời điểm hiện nay, Ukraine đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Các tổ chức tài chính, định mức tín nhiệm quốc tế đều có chung nhận định, GDP nước này sẽ giảm 6,75% trong năm nay. Tổng số nợ hiện nay của Ukraine là 50 tỉ USD, trong đó 30 tỉ USD là nợ nước ngoài, 17 tỉ USD là nợ trong nước. Nợ công của Ukraine cũng đã chiếm tới 71% GDP của nước này, và dự đoán sẽ còn tăng lên mức 94% GDP vào cuối năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Ukraine. Nội trong năm nay, Ukraine sẽ phải trả khoản tiền nợ 10 tỷ USD, bao gồm các khoản vay nước ngoài và trái phiếu chính phủ.

Chính quyền Ukraine đã khởi động các cuộc đàm phán với các chủ nợ từ 3 tháng trước đây, nhưng xem ra vẫn chưa mang lại bất kì kết quả nào. Lý do nằm ở chỗ Ukraine “đòi” xóa nợ một phần, trong khi chủ nợ chỉ đồng ý giãn nợ.

Trong thế khốn khó này, Ukraine cần phải đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để nhận được khoản vay ưu đãi trị giá 17,5 tỷ USD từ IMF nhằm phục vụ cho việc cải cách nền kinh tế cũng như bù đắp thâm hụt ngân sách. Thêm vào đó, IMF đưa ra điều kiện tổng nợ của Ukraine sẽ phải ở dưới mức 71% GDP cho tới năm 2020 và ngân sách quốc gia phải ở mức trung bình 10% so với GDP giai đoạn 2019 - 2025. Muốn đạt tỉ lệ này, chỉ còn cách buộc các chủ nợ “xóa nợ” - điều không dễ được chấp nhận.

Một quan chức hàng đầu của IMF mới đây đã chìa ra một “món quà” rất hào phóng cho Ukraine: Cam kết sẽ tiếp tục giải ngân các gói cứu trợ ngay cả khi Kiev ngừng chi trả các khoản nợ tư nhân. Phát biểu ngay trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và Bộ trưởng Tài chính nước này Natalie Jaresko, Phó Tổng giám đốc thứ nhất IMF David Lipton nói rằng: Tại một thời điểm nào đó mà Ukraine nhận thấy không thể tiếp tục trả tiền cho các chủ nợ, thì “IMF vẫn còn đó chính sách cho vay đối với những thành viên đã có nợ khất với các chủ nợ tư nhân, miễn là nước đó thực hiện tất cả cam kết với IMF”.

Thế nhưng, đây thực sự là một cái bẫy, một ly rượu độc mà nếu chấp nhận Ukraine sẽ khó có thể huy động vốn trên thị trường mở, chỉ còn cách duy nhất là phụ thuộc sâu hơn vào IMF. Nếu chịu “uống thuốc” theo đơn của IMF, Ukraine sẽ giáng một đòn mạnh vào các chủ nợ tư nhân, gây ra những chấn động trên thị trường, với hệ quả không chỉ về kinh tế, mà còn là những tác động đạo đức, lòng tin, chính trị và đương nhiên những quỹ đầu tư như Templeton (Mỹ) sẽ không chịu ngồi yên để mất tiền. Tìm kiếm được một thỏa thuận hợp lý không làm rung chuyển thị trường sẽ là bài toán rất khó cho bà Jaresko và chính phủ Ukraine.

Theo Hoài Thanh/Bloomberg, Moscowtimes