1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cảm xúc của một người Mỹ đến Việt Nam

(Dân trí) - Vì từ “bảo tàng chiến tranh” và “Lăng” có phát âm na ná nhau trong tiếng Anh, nhất là khi người đạp xích lô không rành tiếng Anh, trong khi du khách lại không biết tiếng Việt. Vì vậy mà một người khách du lịch đã được đưa đến Lăng Bác thay vì Bảo tàng Quân đội như dự kiến ban đầu của ông.

Nhưng hóa ra, thay đổi ngoài dự kiến này lại đem đến cho vị du khách nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

 

Mặc dù không phải là một trong những người Mỹ đã từng hát vang bài hát “Bài ca Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl trong các hoạt động phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong những năm 60 máu lửa, cũng không phải là người từng hòa mình vào lớp lớp sinh viên Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh, thách đố Lyndon B. Johnson - tổng thống thứ 36 của Mỹ - bằng khẩu hiệu: "Hey, hey, LBJ, how many kids did you kill today?" (Này, này, LBJ, hôm nay ông đã giết bao nhiêu trẻ em?), nhưng ông là một người có quan điểm phản đối chiến tranh và kính trọng Hồ Chí Minh hơn là Lyndon Johnson.

 

Dưới đây là những cảm nhận của ông khi đến vào thăm Lăng Bác.

 

“Khu di tích ở phía sau Lăng Bác còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử (…) Nhà sàn nơi Hồ chủ tịch đã sống và làm việc trong thời gian từ năm 1958 đến khi Người mất là năm 1969 được thu xếp gọn gàng. Một chiếc mũ sắt đặt ở phía sau 3 chiếc điện thoại. Một ao cá, vườn cây và một giàn dây leo.

 

Đáng chú ý nhất là nơi đây hoàn toàn không có bất cứ thứ gì gợi nhớ đến các cuộc chiến tranh của Việt Nam chống quân Pháp (1946-1954) để giành lại độc lập, hay chống quân Mỹ (1964-1973) để thống nhất đất nước.

 

Giờ đây trên đường phố Hà Nội hầu như không còn lưu lại điều gì về các cuộc chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến mà người Mỹ gọi là Chiến tranh Việt Nam, còn ở Việt Nam gọi là Chiến tranh chống Mỹ.” Đó là lý do người du khách muốn đến Bảo tàng Quân đội trên phố Điện Biên Phủ, nơi mà các cuốn sách hướng dẫn du lịch nói là ở ngay sân trước có một chiếc xe tăng của Mỹ và ở sân trong có trưng bày những mảnh vụn của máy bay Mỹ.

 

Ông muốn đến để được tận mắt kiểm chứng nhưng có lẽ phải đợi tới lần sau đến Việt Nam vì thời gian không cho phép. Ông đành phải quay về khách sạn để chuẩn bị hành lý.

 

Với ông, đây là một chuyến đi thú vị.

 

Tại khách sạn và một số cửa hàng và nhà hàng, nơi nhiều thanh niên Việt Nam có thể nói tiếng Anh, chẳng còn chút dư âm nào của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ đã hỏi ông từ đâu đến, và ông nhận thấy nụ cười của họ không tắt hay kém tươi đi, cũng không có chút ngập ngừng nào trong thái độ khi ông nói mình đến t Mỹ. Vì lý do này hay lý do khác, ông hoàn toàn có thể nói dối rằng mình là người Phần Lan, hoặc Bôlivia, nhưng ông đã không làm thế. Vì ông cảm nhận được rằng hầu hết người dân nước này, ngay cả những người đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước, cũng đang dần để quá khứ lùi lại phía sau.

 

Tất nhiên, ở đâu đó vẫn còn dư âm của các cuộc chiến tranh đã đi qua, như những tấm ảnh, poster tuyên truyền sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp công nhân, nông dân và quân nhân từ quá khứ cho đến hiện tại; hay những tác phẩm ghi lại thời khắc lịch sử, từ những trận mưa bom đến giây phút ăn mừng chiến thắng của quân và dân Việt Nam.

 

Vị du khách cũng mua 2 tấm poster như vậy về làm kỷ niệm.

 

Bước ra phố, trước dòng người và xe xuôi ngược, ông thấy sợ không dám thử sang đường. Ông đứng vẫy tay ở một góc phố, và tín hiệu xin sang đường của ông đã được đón nhận.

 

Một người đàn ông lớn tuổi mỉm cười với ông, rồi chẳng nhìn trái hay phải, sang dẫn người du khách qua đường.

 

"Cảm ơn người bạn," vị du khách nói bằng tiếng Anh. Người đàn ông gật đầu, như hiểu những gì người khách vừa nói.

 

Khi đó ông cảm nhận được điều mà các cuốn sách du lịch đều khẳng định: Tất cả đã được tha thứ. Từ cả hai phía.

 

Đặng Lê

Theo IHT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm