Cấm vận dầu mỏ Iran: châu Âu liều lĩnh, châu Á gánh hậu quả
(Dân trí) - Việc EU quyết định cấm vận dầu mỏ Iran sẽ phản tác dụng đối với châu Âu, còn các quốc gia châu Á- nơi an ninh năng lượng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu cho chiến lược tăng trưởng bền vững - sẽ phải chịu hậu quả nặng nề.
Hy vọng của châu Âu
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các vụ mua dầu mới của Iran và phong tỏa những tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran, trong một cuộc họp tại Brussels hôm qua, 23/1.
Một điểm đáng lưu ý là lệnh cấm này sẽ không thực hiện trước ngày 1/7/2012, để các quốc gia đang mua dầu thô của Iran, có thời gian chuẩn bị tìm nguồn cung cấp khác. Nhưng ngay sau tuyên bố của EU, giá dầu mỏ thế giới đã tăng mạnh, lên 100 USD/thùng vào cùng ngày 23/1.
Châu Âu bắt đầu cuộc đọ sức với Iran, và việc ngưng mua dầu thô của Iran từ đây đến Hè là nhằm mục tiêu buộc Iran từ bỏ mối đe dọa hạt nhân.
Nhưng giới phân tích phương Tây cho rằng châu Âu liều lĩnh đánh cuộc trên cấm vận dầu mỏ Iran. Cấm vận là vũ khí thương mại cuối cùng trước quốc gia sản xuất dầu mỏ thứ hai của tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Nhưng đó cũng là một quyết định liều lĩnh, với một chế độ không có vẻ gì là muốn thoái lui.
Nền kinh tế Iran phụ thuộc nặng nề vào lợi tức xuất khẩu dầu. EU là thị trường dầu mỏ lớn thứ hai của Iran sau Trung Quốc. Châu Âu chỉ mua khoảng 6% lượng dầu cần thiết từ Iran.
Cấm vận của châu Âu sẽ làm Iran mất đi 20% xuất khẩu của mình, trong lúc châu Âu mất 6% lượng dầu nhập. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc chịu theo gương châu Âu, thì Iran sẽ mất đi đến 40% nguồn ngoại tệ.
Hy vọng của châu Âu là lôi kéo thêm đồng minh, và do bị trừng phạt mạnh mẽ, Iran sẽ chấp nhận thảo luận nghiêm túc trên chương trình hạt nhân.
Thế nhưng nhiều ý kiến phân tích cho rằng căn cứ vào lịch trình hiện nay, các bên đang chạy đua với thời gian: Iran sẽ bầu lại quốc hội trong hai tháng tới đây, còn về phía Phương Tây, trên mặt chính trị, nỗ lực nhằm vào Iran có thể bị tê liệt vì Pháp và Mỹ lần lượt bước vào bầu cử tổng thống.
Mặt khác, cũng phải kể đến Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp, vốn bị lệ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Iran, cho nên đều muốn có thêm thời gian, ít ra là sáu tháng nữa, trước khi áp dụng biện pháp cấm vận. Đặc biệt là Hy Lạp đang gặp khó khăn tài chính và Iran lợi dụng tình thế này để chiêu dụ Athens: Tehran đồng ý bán dầu với một khoản tín dụng 60 ngày và không đòi bảo đảm gì cả.
Hậu quả nhìn thấy với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản
Điểm lại những nước bị tác động của lệnh cấm trên sẽ thấy: Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng gì, vì từ lâu nay không còn nhập dầu mỏ Iran. Tại châu Âu, thì Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp là những nước có thể bị ảnh hưởng, nhưng châu Âu chỉ mua khoảng 6% lượng dầu cần thiết từ Iran.
Ngược lại, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, và nhất là Trung Quốc, Ấn Độ bị lệ thuộc nhiều hơn vào Iran, vì nhập từ 10 đến 11% nhu cầu dầu của mình. Cho nên các quốc gia này rất dè dặt.
Iran đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, khi các cường quốc đang trỗi dậy của châu Á tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững và duy trì sự ổn định thì an ninh năng lượng đã trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong địa chính trị ở khu vực.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, với kim ngạch thương mại song phương lên đến trên 40 tỷ USD trong năm 2011. Iran cũng là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc.
Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Cata chủ yếu vì vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Chuyến thăm cũng diễn ra trên cơ sở đang gia tăng mối đe dọa có lệnh cấm vận xuất khẩu dầu lửa của Mỹ đối với Iran và bản thân Trung Quốc có nhu cầu bảo đảm các nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt dự phòng.
Cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đều mua dầu của Iran (Trung Quốc chiếm 22% tổng lượng dầu xuất khẩu của Iran) và do vậy sẽ bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của EU. Do vậy, các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc và Ấn Độ như vậy rõ ràng phản ánh mối lo ngại chung của họ về nguồn cung cấp năng lượng.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tìm cách gây áp lực với Mỹ về bất kỳ hành động nào chống lại Iran để không được làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng ở châu Á.
Còn Nhật Bản cũng đã gửi đi những thông điệp khá trái ngược nhau về việc ủng hộ biện pháp trừng phạt chưa từng thấy này.
Hiện dư luận đang nói về hai kịch bản: Thứ nhất, Trung Quốc có thể sẽ trở thành khách hàng đầu tiên đối với "dầu giảm giá" của Iran trong trường hợp EU cắt giảm việc mua dầu của Iran và các nước mua khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ hành động theo đề nghị của Mỹ.
Trung Quốc sẽ không cúi đầu trước áp lực của Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng mua "dầu giảm giá" của Iran.
Thứ hai, nếu Arập Xêút tôn trọng cam kết bù đắp vào phần thiếu hụt dầu trên thị trường do cấm vận Iran, thì ảnh hưởng trên giá dầu sẽ hạn chế và chỉ Iran sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng. Nhưng nếu mặt khác, Iran ngăn chận lưu thông ở eo biển Ormuz, nơi mà 35% lượng dầu mỏ chuyên chở bằng tàu biển trên thế giới đi qua, thì giá dầu sẽ tăng vọt thêm, vào lúc mà giá dầu trong tháng giêng này đã tăng cao do tình hình xã hội căng thẳng ở Nigeria một quốc gia dầu mỏ khác tại châu Phi.