1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cái chết từ từ của quốc đảo Tuvalu trên Thái Bình Dương

(Dân trí) - Với 9 hòn đảo và diện tích cả nước tổng cộng chỉ 26 km2, đảo quốc nhỏ bé Tuvalu ở Thái Bình Dương đang có nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn trong vài thập kỷ tới - hệ quả của sự nóng lên toàn cầu.

Cái chết được báo trước

 

Hiện nay, Tuvalu chỉ nằm trên mực nước biển trung bình 10cm, vì thế mà viễn cảnh quốc đảo biến mất là điều không còn xa vời. Đó cũng là lý do vì sao Phó thủ tướng nước này lo lắng cho tương lai của đất nước ông: “Chúng tôi đang cố gắng duy trì cuộc sống trên đảo, nhưng khi thời gian trôi đi, chúng tôi sẽ phải từ bỏ quê hương vì không có lựa chọn nào khác”.

 

Với diện tích 26km2, Tuvalu hiện nay là quốc gia nhỏ thứ 4 trên thế giới với dân số trên 10.000 người. Một số trong 9 hòn đảo của Tuvalu hiện không còn ai sinh sống. Nếu mực nước biển tiếp tục tăng như mức độ hiện nay, Tuvalu sẽ bị nước biển nhấm chìm trong vòng từ 30 tới 50 năm tới.

 

Phát biểu trong một hội nghị gần đây về môi trường tổ chức tại Hàn Quốc, Phó thủ tướng Tavau Teii phát biểu: “Chúng tôi chỉ mong rằng điều đó sẽ không xảy ra. Chúng tôi chỉ có cách là tự biến thành cá và sống dưới nước... Tất cả các quốc gia phải nỗ lực giảm khí thải trước khi quá muộn, giống như Tuvalu”.

 

Tuvalu hầu như không có ngành công nghiệp nào, không có quân đội, ít  ô tô và chỉ có khoảng 8km đường được mở. Người dân nước này chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và nông nghiệp. Đảo quốc này nhỏ tới nỗi tỉ lệ phân chia lao động không nhiều: một số người làm nghề nấu ăn, lái tàu, bán kem và các chính trị gia.

 

Các dải san hô ngầm cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu và đe doạ tới các vùng đánh bắt cá cá - thức ăn chính của Tuvalu. Nước biển dâng cao xâm hại tới các nguồn nước ngọt, gây khó khăn cho người nông dân trong khi hạn hán liên tiếp đã hạn chế mưa - nguồn nước uống chủ yếu của quốc đảo.

 

Cái chết từ từ của quốc đảo Tuvalu trên Thái Bình Dương - 1

 Tuvalu có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới “tử vong” do sự thay đổi khí hậu.

 

Tuvalu cũng từng hứng chịu những trận lũ lụt, bão và El Nino trong một thời gian dài. Nhưng các chuyên gia nghiên cứu sự thay đổi khí hậu dự đoán một tương lai thậm chí ảm đạm hơn với Tuvalu. Tất cả học sinh tại đảo quốc phải học cách sợ cụm từ “sự nóng lên toàn cầu” mà hệ quả của nó là những hồ nước bị nhiễm mặn và những vụ mùa thất thu.

 

Rainer Lagoni, giáo sư lĩnh vực luật hàng hải tại Đại học Hamburg, Đức đặt câu hỏi: “Tuvalu sẽ trở thành một quốc gia ảo?”. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, không có định nghĩa một quốc gia nếu không có lãnh thổ.

 

Giải pháp

 

Shuuichi Endou, nhiếp ảnh gia tại Tuvalu, cho biết, không ít người dân trên đảo chính Funafuti của đất nước đã di cư sang các quốc gia láng giềng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đã bỏ chạy khi đất đang chìm dần dưới chân họ. Các nhà chức trách đang thuyết phục New Zealand và Australia để người dân Tuvalu được nhập cư trong trường hợp các hòn đảo của Tuvalu không thể là nơi sinh sống an toàn.

 

Cho tới nay, khoảng 3.000 người dân Tuvalu đã rời bỏ quê hương. Cộng đồng sống lưu vong lớn nhất là tại thành phố Auckland, New Zealand. Tuy nhiên, những người tị nạn đang tiếp tục kêu cứu những cánh cửa đã đóng chặt, đặc biệt là quốc gia láng giềng Australia, nơi nhập cư đã trở thành một vấn đề mấu chốt trong các chiến dịch tranh cử.

Kể từ khi gia nhập Liên Hợp Quốc năm 2000, chính phủ Tuvalu đã cố gắng đặt những mỗi lo ngại của quốc đảo vào chương trình nghị sự của tổ chức. Nỗ lực của họ cũng đã được đền đáp. Tuvalu giờ đây được xem là ví dụ điển hình cho thấy sự thay đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào tới một quốc gia.

Nỗ lực của chính phủ, những nhà hoạt động môi trường, những người quan tâm tới thực trạng của Tuvala đã khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý. Một số chuyên gia giờ đây tin rằng cần thay đổi luật quốc tế để giải quyết ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu. Bên cạnh Tuvalu, một số quốc gia nhỏ bé khác như Kiribati, Vanuatu và quần đảo Marshall cũng được xem là những khu vực nguy hiểm. Các quốc gia này đang lo ngại về tương lai của họ mặc dù thảm hoạ thực sự sẽ chỉ có thể xảy ra sau vài thập kỷ nữa.

Ánh Ninh

Theo Spigel, Reuters