Cái chết bí ẩn của nhà du hành vũ trụ trẻ tuổi Yuri Gagarin
Nhà du hành Liên Xô Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau sự kiện lịch sử này, anh bất ngờ chết trong 1 vụ tai nạn với nhiều điều bí ẩn.
Nhà du hành Yuri Gagarin đã chinh phục khoảng không vũ trụ nhưng lại thiệt mạng trong một chuyến bay tập thường lệ. Cái chết của anh được bao phủ bởi một tấm màn bí ẩn, kéo theo nhiều câu hỏi cũng như vài giả thuyết.
Vào ngày 12/4/1961, Yuri Gagarin trở thành huyền thoại khi là người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ. Anh đã rời Trái Đất như một phi công và rồi trở về Trái Đất như một biểu tượng. Ở Liên Xô, người ta tôn thờ anh như một ngôi sao nhạc rock.
Ngay sau chuyến du hành vinh quang đó, giới chức Liên Xô đã lập tức cử Gagarin đi “tour” tới khoảng 30 nước. Gagarin thậm chí đã dùng bữa trưa với Nữ hoàng Anh Elisabeth II và phá vỡ nghi thức thông lệ bằng việc chụp một bức hình với vị quân vương này. Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập đã trao cho Gagarin chìa khóa vàng mở các cánh cổng Cairo và Alexandria. Gagarin cũng đã gặp gỡ Chủ tịch Fidel Castro ở Havana (Cuba).
Khi ấy ít ai ngờ rằng chỉ 7 năm sau đó, người đàn ông trẻ trung, điển trai với nụ cười lôi cuốn này sẽ đột ngột qua đời.
Chuẩn bị cho các chuyến bay tương lai
Sau 3 năm chu du thế giới, Gagarin trở về với công việc chính của mình. Để nâng cao kỹ năng bay, anh đăng ký tham gia chương trình huấn luyện bay của Học viên Kỹ thuật Không quân Zhukovsky. Anh rất háo hức được bay lại vào vũ trụ.
Nikolai Kamanin - Thủ trưởng đồng thời là bạn của Gagarin, cho biết: “Chúng tôi không thể biến Gagarin thành một cuộc triển lãm bảo tàng - làm như thế sẽ giết chết cậu ấy mất”. Kamanin là người đứng đầu chương trình huấn luyện phi hành gia trong chương trình vũ trụ của Liên Xô. Những gì ông nói cho thấy Moscow có thể có ý định đưa Gagarin tham gia một dự án vũ trụ mới.
Tai nạn thảm khốc
Ngày 27/3/1968 là một ngày nhiều mây. Gagarin đang thực hiện chuyến bay huấn luyện trên một chiếc phi cơ tiêm kích MiG-15UTI cùng với người thầy Vladimir Seryogin – một phi công lão luyện đã được tặng thưởng huân chương Anh hùng Liên Xô trong Thế chiến 2. Đại tá Seryogin khi đó có nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật bay của Gagarin trước khi để anh chủ động thao tác trên chiếc phản lực MiG-17 mới.
Vào lúc 10h19, Gagarin và Seryogin cất cánh từ căn cứ không quân Chkalovsky gần Moscow. Kế hoạch là bay trong ít nhất nửa tiếng đồng hồ nhưng vào lúc 10h32, Gagarin thông báo cho kiểm soát mặt đất là họ sẽ quay về căn cứ. Chỉ thời gian ngắn sau đó, người ta mất toàn bộ liên lạc với chiếc phi cơ của Gagarin.
Phi công Gagarin trên một máy bay MiG. Ảnh: Sputnik.
Sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, nhà chức trách đã cử một đội tìm kiếm gồm máy bay cánh cứng và máy bay trực thăng. Bốn tiếng sau đó, xác của chiếc máy bay gặp nạn đã được tìm thấy gần thành phố Kirzhach, cách thủ đô Moscow 133km. Nơi máy bay rơi là một đống hỗn độn và thi thể của hai phi công đã bị hủy hoại hoàn toàn. Việc xác định danh tính của Gagarin và Seryogin một cách chính thức là nhiệm vụ không dễ dàng.
Kamanin hồi tưởng lại: “Thật không thể tưởng tượng được là Gagarin đã chết. Bản thân Gagarin chính là cuộc sống, là hiện thân cho giấc mơ không giới hạn về bầu trời, về việc bay lượn, về vũ trụ bao la”. Thế nhưng nhà du hành huyền thoại đó đã qua đời và người ta bắt đầu cuộc điều tra về sự ra đi của anh.
Lý giải chính thức về cái chết của Gagarin
Mãi đến tận năm 2011, kết quả của cuộc điều tra nói trên mới chính thức được công bố. Vào dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Gagarin bay vào vũ trụ, giới chức Nga đã giải mật các phát hiện này.
Theo phiên bản này, thần may mắn đã không mỉm cười với Gagarin. Một quả khí cầu dùng để dự báo thời tiết xuất hiện ở khu vực bay của Gagarin và hai phi công đã vô tình đẩy máy bay chúc đầu xuống rồi sau đó họ đành bó tay, không làm gì được thêm để xoay chuyển tình thế vì máy bay còn có thêm 2 thùng nhiên liệu phụ khá nặng trong khi mây xung quanh thì dày đặc.
4 giả thuyết thay thế
A- Seryogin đột ngột bất tỉnh
Vitaly Zholobov, một nhà du hành vũ trụ Liên Xô nói: “Tôi tin vào phiên bản cho rằng Seryogin đã bị đau tim. Có lẽ ông đã gục người lên một trong các cần điều khiển và vô tình gây ra hậu quả nặng nề.
B- Giảm áp suất cabin khiến 2 phi công tử vong
Igor Kuznetsov - một phi công tham gia điều tra về cái chết của Gagarin, tin rằng áp suất trong buồng lái bất ngờ giảm làm cả 2 phi công cùng thiệt mạng. Một số người tin rằng khi ở độ cao 4.000m, hai phi công bắt đầu bị giảm áp suất và mất độ cao, sau đó họ ngất lịm đi và mất kiểm soát đối với máy bay.
C- Động cơ bị hỏng
Trong hồi ký của minh, kỹ sư Valentin Kozyrev viết rằng một trong các điều tra viên nói với ông là động cơ của chiếc phản lực MiG-15 bị hỏng khiến máy bay lao cắm đầu xuống. Các phi công đã nỗ lực thay đổi tình hình nhưng bất lực.
D- Một chiếc máy bay phản lực khác đã gây ra thảm kịch này
Alexei Leonov – bạn du hành của Gagarin và là người đầu tiên lơ lửng trong vũ trụ (bên ngoài tàu vũ trụ, vào năm 1965), ủng hộ cách giải thích này. Năm 2013, Leonov nói rằng một động tác bay thiếu cẩn thận của một phi cơ khác đã vô tình gây ra cái chết cho cả Gagarin và Seryogin. Khi chiếc máy bay kia bay lướt qua phi cơ của Gagarin ở tốc độ siêu âm, nó đã khiến cho chiếc MiG-15 bị chúc đầu xuống.
Hiện chưa giả thuyết nào trong số này được chứng minh cả. Người ta chỉ biết rõ rằng Gagarin và Seryogin đã chết do hoàn cảnh liên quan đến khó khăn về kỹ thuật, thời tiết xấu và có thể cả lỗi con người.