DMagazine

"Cái bóng" Trung Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập của thuộc địa Pháp

(Dân trí) - New Caledonia đã chọn ở lại với Pháp thay vì độc lập, song quần đảo Nam Thái Bình Dương này cũng đang đối mặt với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.

"CÁI BÓNG" TRUNG QUỐC TRONG CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý VỀ ĐỘC LẬP CỦA THUỘC ĐỊA PHÁP

New Caledonia đã chọn ở lại với Pháp thay vì độc lập, song quần đảo Nam Thái Bình Dương này cũng đang đối mặt với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.

New Caledonia, một quần đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, sẽ không đánh dấu năm mới bằng việc trở thành quốc gia mới nhất trên thế giới, sau hơn 150 năm là thuộc địa.

Trong một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 12/12, 96% cử tri đã chọn ở lại với Pháp. New Caledonia là một trong 13 lãnh thổ hải ngoại do Pháp quản lý, và là vùng lãnh thổ duy nhất được trao tư cách "cộng đồng đặc biệt".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đang chuẩn bị tái tranh cử vào tháng 4 năm sau với chiến dịch nhấn mạnh việc tăng cường ảnh hưởng quốc tế của Pháp, đã hoan nghênh kết quả trên.

"Nước Pháp đẹp hơn vì New Caledonia đã chọn ở lại", ông Macron nói trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 12/12.

Cái bóng Trung Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập của thuộc địa Pháp - 1

New Caledonia có vị trí địa chiến lược ở Nam Thái Bình Dương (Đồ họa: Britannica).

Với các tiền đồn cách xa "mẫu quốc" - chẳng hạn Polynesia hay Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương, cũng như Mayotte và Réunion ở Ấn Độ Dương - Pháp tự hào là một trong những nước có không gian biển đảo lớn nhất thế giới. Song sự đổ vỡ của thỏa thuận tàu ngầm giữa Pháp với Australia gần đây, do Mỹ và Anh thế chân, dường như đã khiến Paris mất vị thế. Tổng thống Macron đã luôn nỗ lực định vị nước Pháp là tường thành ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhiều nhà quan sát tin rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng ở New Caledonia nếu lãnh thổ này - thuộc địa của Pháp kể từ năm 1853 - giành được độc lập. Một New Caledonia độc lập nhưng gặp khó khăn về tài chính sẽ thúc đẩy Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng, nhất là khi quần đảo này là nguồn cung cấp niken lớn thứ tư thế giới, sau Indonesia, Philippines và Nga.

"Oui" hay "Non"

New Caledonia thường xuyên có bạo lực chính trị cho đến khi ký kết Hiệp ước Noumea năm 1998. Hiệp ước cho phép vùng lãnh thổ này tiến hành ba cuộc trưng cầu dân ý về việc Pháp chuyển giao quyền lực theo từng giai đoạn và không được thay đổi. Theo thỏa thuận này, Pháp tiếp tục quản lý quân đội cũng như chính sách đối ngoại, nhập cư, cảnh sát và tiền tệ của New Caledonia.

Tổng cộng 180.000 người đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 12/12, với phiếu bầu hợp lệ được trao cho toàn bộ cư dân là người Kanak bản địa trong độ tuổi bỏ phiếu và cho những người phi bản địa đã cư trú từ 20 năm trở lên.

Bỏ phiếu_NYT

Người dân đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tại Noumea hôm 12/12 (Ảnh: NYT).

Trong cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên đầy bạo lực năm 2018, 43,3% đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Trong lần thứ hai, vào tháng 10/2020, tỷ lệ này tăng lên đến 46,7%. Theo Hiệp ước Noumea, Pháp có thể đợi đến tháng 10/2022 để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cuối cùng, nhưng nội các Pháp vào tháng 6 đã chuẩn thuận để việc bỏ phiếu diễn ra trong tháng này.

Giờ đây, Pháp và New Caledonia sẽ bước vào giai đoạn chuyển giao kéo dài hai năm để thiết lập các thỏa thuận quản lý mới và để kết thúc Hiệp ước Noumea.

Dù phe "oui" (ủng hộ độc lập) thất bại, và những người bỏ phiếu "non" (không ủng hộ độc lập) đã ăn mừng bằng cách treo quốc kỳ ba màu Pháp ở thủ phủ Noumea, kết quả không báo hiệu sự chấm dứt giấc mơ về chủ quyền tại New Caledonia.

"Chúng tôi đang theo đuổi con đường giải phóng của mình", Louis Mapou, thống đốc New Caledonia và là người ủng hộ độc lập, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, theo NYT. "Đó là điều cần thiết".

Ông Mapou thường xuyên đề cập đến New Caledonia như là một quốc gia. Ông là thống đốc đầu tiên thuộc phe ủng hộ độc lập và cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên xuất thân từ cộng đồng người Kanak bản địa. Họ chiếm khoảng 40% trong tổng dân số hơn 280.000 người của quần đảo.

Cái bóng Trung Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập của thuộc địa Pháp - 3

Thống đốc Louis Mapou (phải) là người ủng hộ độc lập (Ảnh: NYT).

Bất chấp sự thịnh vượng của New Caledonia, chênh lệch về thu nhập vẫn gia tăng. Người Kanak chiếm phần lớn trong số người nghèo, thất nghiệp và ngồi tù tại lãnh thổ. Dù chính quyền đã nỗ lực để người Kanak có thể theo đuổi giáo dục đại học ở Pháp, cộng đồng người bản địa có rất ít bác sĩ, luật sư và kỹ sư.

Hầu hết người Kanak đều ủng hộ độc lập, trong khi cư dân gốc châu Âu, chiếm 27% dân số và chủ yếu đến từ Pháp, nói chung phản đối độc lập.

Chia rẽ sâu sắc

Các nhà lãnh đạo Kanak trước đó đã kêu gọi chính phủ Pháp dời lại cuộc trưng cầu dân ý sang năm sau vì làn sóng Covid-19 bùng phát muộn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Họ lập luận rằng truyền thống để tang kéo dài của người Kanak đã khiến việc vận động chính trị trở nên bất khả thi.

New Caledonia không có ca tử vong nào trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19, nhưng biến chủng delta đã gây ra tác động nghiêm trọng trong năm nay. Đã có 279 người chết kể từ tháng 9 và nhiều người trong số đó là người Kanak.

"Nhà nước Pháp không tôn trọng mối liên hệ giữa người sống và người chết trong cộng đồng Kanak", Daniel Goa, lãnh đạo một chính đảng ủng hộ độc lập, chỉ trích. "Quá trình phi thực dân hóa đang diễn ra mà không cần tôn trọng những người phải được phi thực dân hóa".

Giới phân tích cho rằng ông Macron muốn có một cuộc bỏ phiếu sớm với hy vọng rằng việc New Caledonia lựa chọn ở lại với Paris sẽ giúp củng cố vị thế của ông trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4/2022. Đối thủ của ông thuộc phe cánh hữu, Xavier Bertrand, nói trên mạng xã hội rằng New Caledonia cần phải ở lại Pháp, nếu không "quần đảo có thể trở thành lãnh thổ của Trung Quốc".

Cái bóng Trung Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập của thuộc địa Pháp - 4

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm quần đảo Polynesia thuộc Pháp hồi tháng 7 (Ảnh: AFP).

Tại quần đảo Polynesia thuộc Pháp vào tháng 7, Tổng thống Macron nói "nước Pháp sẽ bớt tươi đẹp nếu không có New Caledonia". Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, ông cảnh báo về việc các quốc gia Thái Bình Dương sẽ mất đi sự bảo vệ mà một cường quốc hạt nhân như Pháp có thể mang đến.

"Tôi nói rất rõ ràng rằng, trong thời gian tới, sẽ rất khốn đốn cho những người thấp cổ bé họng, sẽ rất khốn đốn cho những người bị cô lập, sẽ rất khốn đốn cho những ai phải chịu ảnh hưởng và sự tấn công từ các cường quốc bá quyền, những kẻ sẽ đến tìm kiếm cá của họ, công nghệ của họ, các nguồn lực kinh tế của họ", ông Macron nói.

Ông Mathias Chauchat, giảng viên luật tại Đại học New Caledonia, nói với Nikkei Asia rằng ông Macron đã chọn đối đầu với cư dân bản địa. Ông lo ngại rằng nếu tái đắc cử, Tổng thống Macron có thể tuyên bố Hiệp ước Noumea vô hiệu. Việc này sẽ xóa bỏ các biện pháp chuyển giao quyền lực đã được thống nhất trước đó và quốc hội Pháp có thể thông qua một đạo luật mới thay đổi hệ thống bầu cử của New Caledonia để cho phép thêm nhiều người gốc Pháp ở lãnh thổ có quyền bỏ phiếu.

Theo quan điểm của ông Chauchat, bằng cách tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trước cuộc bầu cử tổng thống của Pháp, nhà nước Pháp đã từ bỏ thái độ trung lập để ủng hộ chiến dịch "non" tại New Caledonia.

Để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý hôm 12/12, các cảnh sát Pháp đã được điều đến lãnh thổ 270.000 dân. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã biến thành bạo lực, khi những thanh niên người Kanak phóng hỏa đốt các cơ sở khai thác mỏ niken và phong tỏa các tuyến đường lớn.

Phe ủng hộ độc lập đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Theo NYT, các điểm bỏ phiếu tại khu vực mà cư dân ủng hộ độc lập chiếm đa số hầu như vắng hoe. Tính đến 17h ngày 12/12, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 42%, giảm mạnh so với mức 79% năm 2020.

"Một nửa đất nước muốn độc lập và một nửa không muốn", ông Charles Wea, cố vấn thống đốc, cho biết trước khi quá trình kiểm phiếu bắt đầu. "Chúng ta phải xây dựng lại một khế ước xã hội mới. Nếu không, chúng ta sẽ luôn bị chia rẽ".

Cái bóng Trung Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập của thuộc địa Pháp - 5

Tình nguyện viên thuộc phe ủng hộ độc lập đi vận động người dân tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý hôm 12/12 (Ảnh: NYT).

"Cái bóng" Trung Quốc

New Caledonia là nơi duy nhất ở Melanesia, một vòng cung các quần đảo trải dài từ Papua New Guinea đến Fiji, đến nay vẫn là thuộc địa. Nước láng giềng Vanuatu giành được độc lập vào năm 1980, còn quần đảo Solomon là hai năm trước đó.

Những người trung thành với Pháp lập luận rằng New Caledonia có được vị thế kinh tế hiện tại - với GDP bình quân đầu người sẽ nằm trong số 20 quốc gia giàu nhất nếu lãnh thổ này được coi là một quốc gia - là nhờ nằm dưới sự bảo hộ của Pháp. Ngân sách hàng năm mà Paris cung cấp thường tương đương khoảng 18% GDP, và tài sản của lãnh thổ này đã tăng gấp đôi trong ba thập niên qua.

Họ cũng cho rằng nếu cuối cùng New Caledonia trở thành quốc gia độc lập, lãnh thổ này sẽ đánh đổi ảnh hưởng địa chính trị của Pháp để quay sang phụ thuộc Trung Quốc, nước vốn đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra cả Melanesia. Tháng trước, những vụ bạo loạn chết người đã làm rung chuyển quần đảo Solomon, và thủ tướng nước này nói rằng bạo lực xảy ra là do Solomon tuyệt giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc.

Khi cựu đại sứ Trung Quốc tại Pháp Trạch Tuyến đến New Caledonia trong chuyến thăm lịch sử năm 2017, trọng tâm chương trình nghị sự của ông, ít nhất theo các tài liệu chính thức, là xoay quanh các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và giáo dục. Song một thông cáo của chính phủ Trung Quốc cũng đề cập đến việc giới chức New Caledonia quan tâm đến "việc Trung Quốc đầu tư và thành lập doanh nghiệp" tại quần đảo, theo Politico.

Cũng theo bài viết trên, Trung Quốc đến nay là thị trường xuất khẩu hàng đầu của New Caledonia với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Năm 2010, Trung Quốc chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của New Caledonia, và giờ đây, tỷ lệ này đã lên đến 57%.

Nguồn thu chính của New Caledonia là xuất khẩu khoáng sản, mà Trung Quốc ngày càng trở thành khách hàng lớn trong những năm gần đây. Năm 2020, New Caledonia xuất khẩu 3,4 triệu tấn niken, coban và các sản phẩm niken sang Trung Quốc, với giá trị đạt 197,2 triệu USD. Kim ngạch năm 2020 cao hơn kim ngạch 4 năm trước cộng lại. Tính riêng niken, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ ba của New Caledonia. Đây là nguyên liệu quan trọng đối với ngành sản xuất ôtô điện, và cả Trung Quốc và EU đều muốn dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Bà Sonia Bakes, tỉnh trưởng tỉnh Nam của New Caledonia, cho hay vào năm 2019, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tiếp cận bà để tìm cách sở hữu cổ phần trong một nhà máy niken tại tỉnh này. Với sự chống lưng của Điện Elysee, bà đã từ chối đề nghị của họ. Tuy nhiên, một nhà máy niken lớn ở tỉnh Bắc, nơi phe ủng hộ độc lập kiểm soát, đã ký những thỏa thuận hợp tác với Công ty Công nghiệp Niken Nhất Xuyên Dương Châu của Trung Quốc.

Song tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách khách hàng có thể bị suy giảm trong tương lai. Sau khi tập đoàn Vale của Brazil năm nay bán Goro, mỏ niken lớn nhất New Caledonia, cho một liên doanh gồm các công ty mỏ, ba tỉnh tại khu vực và tập đoàn Trafigura của Singapore, nhà sản xuất ôtô điện Tesla của Mỹ đã trở thành "đối tác kỹ thuật và công nghiệp" của Goro. Tesla đã đồng ý mua 42.000 tấn niken mỗi năm theo một thỏa thuận kéo dài nhiều năm.

Bà Denise Fisher, cựu tổng lãnh sự Australia tại Noumea, hiện làm việc tại Đại học Quốc gia Australia, nói với Nikkei Asia rằng thỏa thuận với Tesla "tạo ra mối liên hệ" với một công ty nổi tiếng của Mỹ cũng đang hoạt động trong ngành xe điện châu Âu. Việc này "sẽ giúp ngành công nghiệp niken tại New Caledonia bớt phụ thuộc vào Trung Quốc".

Cái bóng Trung Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập của thuộc địa Pháp - 6

Mỏ khai thác niken tại Goro (Ảnh: NYT).

Theo ông Christopher Gygès, một chính trị gia phản đối độc lập, đồng thời là người phụ trách kinh tế, ngoại thương và năng lượng của New Caledonia, sự hiện diện của Pháp sẽ bảo vệ quần đảo này "trước sự mong muốn và nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực của Trung Quốc".

Trong khi đó, học giả Nicolas Regaud, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân sự Pháp, cho rằng độc lập không có nghĩa là New Caledonia sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng sẽ diễn ra công khai hơn. Australia, Mỹ và New Zealand cũng như Pháp sẽ tung ra những quân bài có sức mạnh hơn nhiều so với quân bài của Trung Quốc", ông Regaud nói.

Thống đốc Mapou đã để ngỏ khả năng rằng cho dù độc lập, New Caledonia vẫn sẽ tiếp tục giao quyền phòng thủ của mình cho Pháp, cho phép Paris tiếp tục là một thế lực lớn tại khu vực.

"Chúng ta có thể cân bằng", ông Mapou nói. "Chúng ta có thể ở Thái Bình Dương, bảo vệ lợi ích của mình và duy trì mối liên kết với Pháp và châu Âu vì lịch sử và văn hóa".