1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách mạng hóa “thời trang” không gian

(Dân trí) - Năm 1969, chuyến thám hiểm mặt trăng của Neil Armstrong đã tạo ra một bước nhảy vọt cho nhân loại, nhưng bộ quần áo đồ sộ, cồng kềnh nhà du hành mặc dường như lại gửi một thông điệp ngược lại!

Suốt 40 năm qua, các nhà du hành vũ trụ vẫn “ì ạch” dạo quanh vũ trụ trong một bộ quần áo nặng nề, cồng kềnh như vậy. Đó là lý do vì sao Dava Newman, giáo sư ngành hàng không học - du hành vũ trụ và nhóm nghiên cứu của cô vừa ra mắt một mẫu quần áo mới: BioSuit. Đây là bộ quần áo màu trắng, bó sát người, gọn nhẹ, với mục đích làm cho các nhà du hành cảm thấy nhẹn nhàng và mau lẹ như “người nhện” trên phim ảnh.

 

Bộ đồ mới được làm bằng chất liệu co dãn, bó sát lấy người, đủ nhẹ để cho phép các nhà du hành đi, chạy, hay thậm chí là leo được cả núi trên mặt trăng hay của một hành tinh nào đó. Những hoạt động này các nhà vũ trụ không thông thể thực hiện được nếu bị “đóng” trong bộ đồ vũ trụ hiện nay.

 

Bộ đồ bó sát người mới hoàn toàn không dùng để chụp ảnh cho vui mắt. Nó giữ cho các nhà du hành vũ trụ sống được nhờ tạo ra áp lực mà các nhà khoa học gọi là lực chống gây sức ép, cân bằng lực kéo chân không ở ngoài vũ trụ. Bộ đồ vũ trụ hiện nay đang dùng hệ thống điều áp bằng khí, tạo ra một môi trường giống như môi trường trái đất thu nhỏ ở trong bộ quần áo. Hệ thống này hoạt động rất hiệu quả, nhưng nhiều nhà khoa học nhận thấy nó đã quá lỗi thời vì có quá nhiều thiết bị cồng kềnh cùng hệ thống hỗ trợ nặng tới 135kg.

 

 “Những bộ đồ đó mặc trên tàu hoặc trạm vũ trụ thì ổn”, Newman nhận xét. “Nhưng chúng không phù hợp cho việc thám hiểm”. Thực tế cho thấy các nhà du hành thường tiêu tốn đến 70 - 80% năng lượng dự trữ chỉ cho việc đi lại trong những bộ quần áo cồng kềnh, nặng nề đó.

 

Bộ đồ mới cũng tạo ra môi trường áp lực tương tự, đơn giản chỉ bằng cách bọc những lớp nylon đặc biệt và sợi Spandex bó sát lấy cơ thể, một phương pháp mà Newman đã nghiên cứu trong suốt 7 năm. Đầu tiên, người “thợ may” sẽ bọc những chất liệu trên vào một người nào đó đứng bất động. Khi hoàn thành, họ sẽ “cởi bỏ” ra, và sẽ khâu cho phù hợp với từng nhà du hành và nhà du hành sẽ mặc bộ đồ mới giống như khoác lên “lớp da thứ hai” vậy.

 

Tuy nhiên còn một điều mà Newman đang muốn tiếp tục nghiên cứu là: tìm cách cung cấp đủ năng lượng để tạo lực chống áp lực trong bộ quần áo mới. Để làm được điều này,  BioSuit cần phải tạo ra áp lực bằng gần 1/3 áp lực do khí quyển trái đất gây ra, hay 30 kilopascals (kPA). Hiện BioSuit chỉ mới tạo ra được 20 kPA.

 

Ngoài vẻ ngoài bắt mắt và dễ mặc, Newman còn cho biết BioSuit chắc chắn sẽ an toàn hơn so với kiểu cũ. Hiện một khi bộ đồ của nhà du hành đã được bơm khí vào, thì họ phải trở về căn cứ thì mới cởi bỏ chúng ra hoặc giảm áp lực đi được. Với bộ đồ mới, họ chỉ cần kéo miếng dán ra.

 

Bộ đồ mới cũng giúp cơ thể duy trì sự dẻo dai của cơ bắp, bởi các nhà du hành sẽ mất khoảng 40% sức mạnh của cơ bắp trong chuyến hành trình vào vũ trụ. Thế nên nếu bộ quần áo mới không được dùng trong hành trình tới sao Hỏa, thì nó cũng có thể rất có ích cho các vận động viên trong quá trình tập luyện.

 

Newman ước tính bộ đồ mới, do NASA tài trợ phát triển, sẽ được hoàn thành trong vòng 10 năm nữa. Thời gian đó, có thể cũng là lúc NASA sẽ bắt đầu đưa người đến sao Hỏa và những mặt trăng khác. “Nếu các nhà du hành muốn tiến thêm nhiều bước thám hiểm nữa, họ sẽ phải cần bộ đồ mới này”, Newman khẳng định.

 

PV
Theo Time