1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước tiêm thêm vắc xin Pfizer sau 2 liều Sinopharm Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain tiếp tục tiêm thêm vắc xin Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm vắc xin Sinopharm của Trung Quốc.

Các nước tiêm thêm vắc xin Pfizer sau 2 liều Sinopharm Trung Quốc - 1

Vắc xin Covid-19 Sinopharm (Ảnh: SCMP).

UAE và Bahrain đã tiêm chủng Covid-19 cho phần lớn người dân, bắt đầu bằng vắc xin của hãng dược Trung Quốc Sinopharm trước khi bổ sung các loại vắc xin khác.

Mặc dù đã triển khai tiêm vắc xin, song Bahrain vẫn đang phải đối phó với làn sóng Covid-19 lớn nhất kể từ đầu đại dịch, trong khi UAE đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều gấp đôi so với cách đây 7 tháng.

Do vậy, hai nước vùng Vịnh đã quyết định tiêm thêm vắc xin Pfizer/BioNTech như liều vắc xin tăng cường cho những người đã tiêm vắc xin Sinopharm trước đó.

Tại Abu Dhabi (UAE), một liều vắc xin tăng cường sẽ được tiêm sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai.

Abu Dhabi đã tiêm vắc xin Sinopharm cho người dân từ tháng 12 năm ngoái và bắt đầu sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech từ tháng 4. Abu Dhabi bắt đầu tiêm liều vắc xin Sinopharm thứ ba từ tháng trước, sau khi phát hiện một số người đã tiêm hai mũi đầu không sản sinh đủ kháng thể.

Tương tự, tại Bahrain, một đại diện chính phủ cho biết những người đủ điều kiện có thể tiêm liều vắc xin tăng cường của Pfizer/BioNTech hoặc Sinopharm, bất kể trước đó họ đã tiêm loại vắc xin nào.

Bahrain hồi tháng 5 đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất, khoảng 3.000 ca/ngày, trong khi UAE đang ghi nhận khoảng 2.000 ca/ngày, giảm so với mức đỉnh điểm hồi tháng 2 (3.977 ca/ngày) nhưng gấp đôi so với số liệu đầu tháng 12/2020.

Hiện vẫn còn những hoài nghi về hiệu quả của vắc xin Sinopharm, dù vắc xin này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép khẩn cấp vào tháng 5, do dữ liệu lâm sàng được cho là chưa đầy đủ.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên tạp chí y khoa JAMA, vắc xin Sinopharm đạt hiệu quả 78,1% trong việc ngăn ngừa những ca mắc Covid-19 có triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu về nhóm người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính trong cuộc nghiên cứu được thực hiện ở một số quốc gia, bao gồm UAE và Bahrain, không đầy đủ.

Wall Street Journal ngày 3/6 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Bahrain Waleed Khalifa Al Manea cho biết vắc xin Sinopharm có khả năng bảo vệ cao đối với người tiêm. Tuy nhiên, ông Manea cho biết những người ở Bahrain trên 50 tuổi, béo phì hoặc mắc bệnh mãn tính được khuyến khích tiêm thêm liều vắc xin tăng cường Pfizer, 6 tháng sau khi tiêm liều Sinopharm thứ hai.

WHO ngày 1/6 đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin do hãng dược Sinovac của Trung Quốc phát triển. WHO cho biết vắc xin Sinovac đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về mức độ an toàn, hiệu quả và sản xuất.

Vắc xin Sinopharm, một trong hai loại vắc xin Covid-19 chính của Trung Quốc, đã được tiêm cho hàng trăm triệu người ở Trung Quốc và các nơi khác. Đây cũng là loại vắc xin đầu tiên do một quốc gia không phải phương Tây phát triển được WHO phê duyệt.

Danh sách vắc xin sử dụng khẩn cấp của WHO mở đường cho các quốc gia trên thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu vắc xin để tiêm chủng, đặc biệt là những nước không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế của riêng họ.

Trung Quốc đã triển khai khoảng 65 triệu liều vắc xin Sinopharm và khoảng 260 triệu liều vắc xin Sinovac. Cả hai đều được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Nhiều quốc gia trong số này gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vắc xin từ phương Tây.