1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nước châu Á chạy đua sắm tàu ngầm

(Dân trí) - Chi tiêu mua sắm tàu ngầm của châu Á có xu hướng tăng nhanh thời gian gần đây giữa lúc căng thẳng leo thang trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như lo ngại trước sự mở rộng quân sự của Trung Quốc.

Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)
Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)

Hồi đầu năm nay, tổ chức Tình báo Phòng vệ Chiến lược (DSI), trụ sở tại London - Anh cho biết châu Á dẫn đầu thế giới về đà tăng chi tiêu cho quốc phòng, trong đó nhiều nhất là chi tiêu mua sắm tàu ngầm.

Theo VOA, các chuyên gia của DSI cho biết thị trường tàu ngầm châu Á hiện có giá trị hơn 7 tỷ USD nhưng dự báo có thể lên 11 tỷ USD vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là châu Á sẽ vượt châu Âu trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Hiện Mỹ vẫn là thị trường tàu ngầm lớn nhất với chi tiêu mua sắm cho tàu ngầm dự báo đạt 102 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Chuyên gia Sravan Kumar Gorantala của DSI cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc là những khách hàng lớn trên thị trường này do lo ngại các xung đột tiềm tàng trên biển cũng như mối đe dọa ở Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh có hành động ngày càng khiêu khích ở Biển Đông và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm cũng khiến một số nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản phải tăng cường mua tàu ngầm.

Nhật Bản đang tìm mua vũ khí nước ngoài, chủ yếu để trang bị cho tàu ngầm lớp Soryu của họ. Trong khi đó, nhiều nước có tranh chấp ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông cũng tìm mua các máy bay trinh sát. Philippines và Indonesia cũng mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Việt Nam cũng đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông. Nhưng chỉ gần đây Bắc Kinh mới tăng cường hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông làm dấy lên lo ngại về nguy cơ quân sự hóa ở khu vực này. Bắc Kinh hiện xây 7 đảo nhân tạo trái phép trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, trong đó có xây một đường băng dài 3km.

Zhang Baohui, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại Học Lingnan (Hong Kong)cho rằng, nguy cơ xung đột ở Biển Đông phụ thuộc vào việc Trung Quốc phản ứng như thế nào trước các đợt tuần tra “tự do hàng hải” của Mỹ xung quanh các khu vực Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Những tuần gần đây, các tàu và máy bay tuần tra của Mỹ đã vào vùng 12 lý quanh quanh khu vực Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo.

“Ở một thời điểm nhất định họ (Trung Quốc) có thể buộc phải dùng biện pháp đối phó với tàu Mỹ đi qua khu vực này. Đó có thể sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn căng thẳng không mong muốn”, ông Zhang Baohui nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng đang có một cuộc chạy đua tàu ngầm ở châu Á để tái cân bằng lực lượng do đó “các nước nhỏ sẽ tiếp tục cải thiện năng lực tàu ngầm của mình để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Collin Koh, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, cuộc chạy đua tàu ngầm châu Á là nhằm cung cấp vũ khí cho “kẻ yếu chống lại kẻ mạnh”. Chuyên gia này cũng cho rằng các tàu ngầm đưa vào biên chế trong tương lai gần sẽ lớn hơn các tàu ngầm đang hoạt động ở khu vực, và tất nhiên cũng sẽ được trang bị đầy đủ hơn. Tuy nhiên, hải quân các nước cũng cần phải khắc phục một số thách thức như vấn đề tài chính, kỹ thuật, hậu cần cũng như nhân lực để vận hành tàu ngầm.

Minh Phương

Tổng hợp