1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các nhà thiết kế trẻ gốc Á "toả sáng" ở New York

(Dân trí) - Khi bà Michelle Obama xuất hiện trong chiếc váy hoa của nhà thiết kế trẻ gốc Thái Lan Thakoon Panichgul cùng chồng nhân sự kiện ông Obama được đề cử làm ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đó cũng là thời khắc quan trọng đối với các nhà thiết kế thời trang châu Á.

Ông Obama đã làm nên lịch sử khi trở thành người da đen đầu tiên được một đảng chính trị lớn ở Mỹ đề cử làm ứng viên tổng thống hôm 27/8. Nhưng bộ váy mà bà Michelle Obama hôm ấy cũng là một sự kiện gây được tiếng vang trong ngành công nghiệp thời trang ở New York.

 

"Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự", Thakoon Panichgul, nhà thiết kế sinh ra tại Thái Lan, tâm sự sau khi nhìn thấy bà Michelle Obama diện bộ váy do anh thiết kế nhân buổi lễ chồng bà được đề cử làm ứng viên tổng thống. Thakoon là một trong các nhà thiết kế châu Á đang "càn quét" thời trang New York.

 

Peter Som, 37 tuổi, tới từ San Francisco, có cha là một người Trung Quốc di cư sang Mỹ. Anh Som là đại diện cho một thế hệ các nhà thiết kế tuổi đầu "băm" và chủ yếu là nam giới. Som học ngành kiến trúc nhưng lại thành công trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Anh không chỉ sáng lập công ty thời trang của riêng mình mà còn được giới thiệu làm người đứng đầu Bill Blass, một thương hiệu thời trang danh tiếng của Mỹ.

 

Derek Lam, 40, tuổi, được chuyên gia thời trang Michael Kors đào tạo tại trường chuyên ngành Parsons. Lam đã được Thương gia người châu Âu Diego Della Valle lựa chọn để thiết kế trang phục cho thương hiệu Tod và cũng như phát triển thương hiệu riêng của anh.

 

Nhóm ABC (viết tắt của cụm từ "American born Chinese" - người Mỹ gốc Trung Quốc), mà Som vẫn thường gọi còn có Alexander Wang, người lớn lên tại một trường nội trú ở California trong khi mẹ trở về quê ở Trung Quốc. Tại Tuần lễ thời trang New York mới đây, Wang đã giới thiệu một bộ sưu tập phản án phong cách lịch lãm với những trang phục gợi cảm và khỏe khoắn.

 

Việc cùng trưởng thành tại California đã kết nối nhiều nhà thiết kế thời trang châu Á, trong đó có những người sáng lập cửa hiệu thời trang Opening Ceremony tại Manhattan. Cửa hiệu này kinh doanh rất thành công tại khu Chinatown ở New York và sau đó chủ nhân của nó đã mở thêm một chi nhánh ở Los Angeles. Tại đây giới thiệu nhiều sản phẩm của các nhà thiết kế châu Á và hiện đang tập trung vào các nhà thiết kế trẻ sáng tạo Nhật Bản.

 

Gây được tiếng vang tại California, các nhà thiết kế gốc Á đã “di cư” tới New York và tạo được phong cách riêng biệt tại kinh đô thời trang này.

Ảnh hưởng châu Á

Các nhà thiết kế gốc Á đều có chung quan điểm rằng nguồn gốc có ảnh hưởng tới phong sống và con người họ. Tuy nhiên, nó lại không ảnh hưởng nhiều tới công việc thiết kế.

 

Phillip Lim, 34 tuổi, người đã giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của anh hồi năm 2005, tin rằng mối liên hệ ràng buộc các nhà thiết kế châu Á là nền tảng văn hoá nhưng điều đó không thể hiện rõ ràng trong việc thiết kế.

“Tôi không nghĩ rằng nguồn gốc châu Á thể hiện rõ ràng trong các thiết kế của tôi xét về mặt thẩm mỹ”, Lim, người lớn lên tại California nhận xét. “Tôi nghĩ điều đó chỉ là tình cờ vì tôi nói tiếng Trung với cha mẹ ở nhà và có những quy tắc và giá trị văn hoá tôi phải tuân theo”.

Các nhà thiết kế khác, những người có cha mẹ di cư từ Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên…, cũng có chung quan điểm như vậy. Doo-ri Chung, một trong số ít các nhà thiết kế nữ gốc Á, cho rằng nguồn gốc Hàn Quốc ít ảnh hưởng tới công việc của cô.

Còn nhà thiết kế Lim thì nói: “Tôi nghĩ tôi rất may mắn khi được thừa hưởng các giá trị tốt nhất của phương Đông và phương Tây. Tôi tự hào là người châu Á nhưng không nhìn nhận nó trên phương diện thiết kế. Đó đơn giản là ADN của tôi”.

 

Nhưng nhà thiết kế Richard Chai gốc Hàn Quốc cho biết nguồn gốc dân tộc đã có ảnh hưởng tới công việc thiết kế của anh: “Văn hoá châu Á có cái gì đó rất mạnh mẽ và tinh khiết. Tôi cảm thấy sự tinh khiết đã kết nối các nhà thiết kế châu Á với nhau”.

 

Sự gia tăng nhanh chóng về con số các nhà thiết kế châu Á khiến người ta phải đặt câu hỏi: Tại sao lại nhiều như vậy? Và tại sao lại xảy ra vào lúc này?

 

Anna Sui, 53 tuổi, thuộc thế hệ đi trước của thời trang châu Á, cho rằng lý do là vì trước đây người di cư Trung Quốc ở Mỹ thường chủ yếu tham gia vào một số ít các ngành nghề như kinh doanh nhà hàng và may mặc. “Các gia đình châu Á thường có khuynh hướng đi theo ngành kinh tế gia đình. Nhưng các ông bố bà mẹ thế hệ mới đã thoải mái hơn. Trước kia là: Tại sao con lại muốn trở thành nhà thiết kế trong khi con có thể trở thành một bác sĩ”, Sui nói.

 

An Bình

Theo IHT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm