1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các học giả Nhật Bản lên án hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc

Ngày 11/11, tại Hội trường Tòa thị chính Toshima, Tokyo, Nhật Bản, Tập đoàn truyền thông SankeiFuji và các tòa báo Sankei, Fuji đã tổ chức Hội thảo, triển lãm ảnh “Hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông và những tác động tiêu cực đến an ninh khu vực và môi trường sinh thái biển.”


Các bức ảnh tại triển lãm. (Nguồn: Vietnam+)

Các bức ảnh tại triển lãm. (Nguồn: Vietnam+)

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 800 đại biểu Nhật Bản và quốc tế, trong đó có các chính khách, quan chức thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cùng các học giả, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, quân sự hàng đầu của Nhật Bản và các nhà báo nổi tiếng, phóng viên các tờ báo lớn.

Hội thảo bao gồm 4 tham luận chính và các phiên thảo luận tập trung vào chủ đề về các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại các bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và những tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái biển và hòa bình, an ninh khu vực.

Bên lề hội thảo, ban tổ chức đã cho trưng bày, triển lãm các hình ảnh, tư liệu cập nhật về tình hình bồi lấp, xây dựng, cải tạo của Trung Quốc tại các bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, học giả, nhà báo kỳ cựu, bà Yoshiko Sakurai, Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề cơ bản quốc gia của Nhật Bản cho biết các hoạt động bồi lấp, phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc hiện nay tại Biển Đông là hết sức nguy hiểm, nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông để vươn lên trở thành cường quốc biển, thể hiện chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.


Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Vietnam+)

Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Vietnam+)

Thảo luận về những tác động tiêu cực của các hoạt động phá vỡ nguyên trạng này của Trung Quốc, giáo sư Yoshihiko Yamada, Khoa Hải dương học, Đại học Tokai, chuyên viên thuộc nhóm giúp việc cho Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản về vấn đề Biển Đông khẳng định hoạt động của Trung Quốc hiện nay tại các bãi, đá ở Biển Đông là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm suy yếu tính pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời đe dọa hủy hoại tài nguyên, môi trường sinh thái biển ở Biển Đông và gây ra những hệ lụy nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.

Các học giả thống nhất cùng lên tiếng phản đối, lên án các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đồng thời, các học giả khuyến nghị các quốc gia liên quan, trong đó có ASEAN, Trung Quốc và các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia, xuất phát từ tinh thần và trách nhiệm quốc tế, cùng thiện chí hợp tác đàm phán chấm dứt các hành động gây căng thẳng, đơn phương phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý vì lợi ích an ninh, an toàn hàng hải và chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Vietnam+