1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bùng phát tín hiệu vô tuyến bí ẩn cách xa trái đất 1,5 tỉ năm ánh sáng

Các nhà khoa học đã ghi nhận loạt tín hiệu vô tuyến bí ẩn ở cách xa trái đất đến 1,5 tỉ năm ánh sáng trong 3 tuần hồi mùa hè năm 2018, theo công trình mới đăng tải trên tạp chí Nature hôm 9-1.

Đợt bùng phát sóng vô tuyến nhanh (FRB) mới nói trên gọi là FRB 180814.J0422+73, được ghi nhận xảy ra 6 lần và đến trái đất từ một vị trí cách trái đất 1,5 tỉ năm ánh sáng.

Mỗi lần bùng phát này chỉ kéo dài 1 millisecond (0,001 giây). Chúng được phát hiện bởi kính thiên văn CHIME ở Canada vào mùa hè năm 2018 khi vẫn còn trong thời kỳ thử nghiệm.

FRB xuất hiện ngẫu nhiên và tồn tại rất ngắn nên rất khó phát hiện và nghiên cứu. Chúng được phát hiện lần đầu tiên hồi năm 2007.

Bùng phát tín hiệu vô tuyến bí ẩn cách xa trái đất 1,5 tỉ năm ánh sáng - Ảnh 1.

Kính thiên văn CHIME. Ảnh: Daily Mail

Đáng chú ý, các nhà khoa học cho biết đây là lần thứ hai họ ghi nhận được FRB lặp đi lặp lại.

FRB đầu tiên như thế, gọi là FRB 121102, được Đài quan sát Arecibo (Peurto Rico) phát hiện hồi năm 2015. Đến năm 2018, các nhà khoa học phát hiện chúng giải phóng một nguồn năng lượng khổng lồ.

Phát hiện mới nhất nói trên không giúp giải mã những bí ẩn lớn nhất liên quan đến FRB trong không gian, như lý do chúng xảy ra và nguồn tạo ra chúng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng sẽ có thêm những đợt bùng phát lặp đi lặp lại khác được tìm thấy và điều này có thể giúp ích cho nỗ lực phát hiện nguồn gốc của chúng.

Hy vọng được đặt vào Kính thiên văn CHIME một khi nó chính thức đi vào hoạt động.

Trong lúc chờ đáp án, đã xuất hiện giả thiết là chúng được tạo ra bởi các sao neutron dày đặc, lỗ đen hoặc hiện tượng vật lý thiên thể mạnh mẽ. Thậm chí, có người phỏng đoán có những nền văn minh ngoài hành tinh tiên tiến đang tạo ra chúng.

Theo P.Võ 

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm