1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bức thông điệp đau xót

Khuya ngày chủ nhật 7/8, cả nước Mỹ đã nhìn thấy và nghe rõ lời than khóc của một bà mẹ mất con xuất hiện trên kênh truyền hình CNN. Bà đã gửi tới Tổng thống Bush bức thông điệp: “Xin đừng dùng cái chết của con trai tôi để biện minh cho cuộc chiến Iraq!”.

Đó là bà Cindy Sheehan có con trai Casey, 24 tuổi, chết trận tại Iraq hồi tháng 4/2004. Bà Cindy Sheehan, cũng là người sáng lập nhóm phản chiến “Gold Star Families for Peace” (Những gia đình sao vàng vì hòa bình), đã dẫn đầu một đoàn các ông bố, bà mẹ có con tham gia cuộc chiến Iraq và những cựu binh từ chiến trường Iraq và Việt Nam trở về, kéo tới biểu tình ngồi suốt đêm thứ bảy bên ngoài trang trại riêng của gia đình ông Bush ở Crawford, bang Texas.

 

Bị cảnh sát ngăn chặn trên đường tới trang trại, đoàn biểu tình đã hô vang: “W. đã giết con bà Cindy”, “Hãy đưa lính Mỹ về nước ngay”. Bà Cindy đã giơ cao tấm ảnh phóng lớn cậu con trai Casey mới biết ngồi và hô “không đổi máu lấy dầu”.

 

Bà đòi gặp bằng được ông Bush để nói cho ông biết rõ chiến tranh đã mang lại đau thương mất mát như thế nào cho Iraq. Trước ống kính truyền hình, người mẹ có con chết trận này nói sẽ cắm trại cho đến khi gặp được ông Bush mới thôi. Bà nói: “Tôi không muốn ông ta lợi dụng tên tuổi con tôi để tiếp tục chém giết”.

 

Khi cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley và phó văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin thay mặt ông Bush đang nghỉ ở trong trang trại, tiếp bà ở ngoài cổng và nói với mọi người “Tổng thống thực sự quan tâm”, bà không kìm được giận dữ: “Ông không thể nói như thế được vì tôi đã gặp ông ấy và tôi biết ông ta chẳng hề quan tâm gì cả. Ông hãy nói với ông ấy rằng đừng có biện minh sự hy sinh vẻ vang của con trai tôi để tiếp tục thực hiện các chính sách giết người của ông ta. Con tôi chết đã là quá đau đớn rồi. Làm sao tôi còn muốn có thêm một bà mẹ nữa, dù là Mỹ hay Iraq, lại chịu cảnh ngộ như tôi? Có ai thấu hiểu nỗi đau của một bà mẹ mất con?”.

 

Theo T. Tùng

Người lao động