1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bữa cơm từ thịt ở bãi rác của người nghèo giữa thủ đô Philippines

(Dân trí) - Không đủ tiền mua thịt tươi sống, những người nghèo ở thủ đô Manila của Philippines chấp nhận ăn món “pagpag” làm từ những miếng thịt thừa nhặt ở bãi rác.

Trẻ em thưởng thức món pagpag ở Philippines (Ảnh: BBC)
Trẻ em thưởng thức món pagpag ở Philippines (Ảnh: BBC)

Phóng viên Howard Johnson của BBC đã thực hiện đoạn phóng sự ghi lại hành trình của những miếng thịt thừa từ bãi rác tới bữa cơm của người dân nghèo ở thủ đô Manila. Câu hỏi đầu tiên mà đoạn phóng sự đặt ra cho người xem về món ăn có tên gọi “pagpag” này là: “Bạn có dám ăn thứ này không?”.

“Pagpag” là món ăn được chế biến từ những đồ thừa vứt đi ở các bãi rác của Phippines. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy những con chuột và ruồi nhặng bu kín những nơi tập kết rác này. Phóng viên của BBC đã theo chân Renato Navarro Conde - một người chuyên thu gom đồ ăn thừa để chế biến món “pagpag”.

Từ 4 giờ sáng tại bãi rác “Happyland” (Vùng đất vui vẻ) ở Manila, rác từ những cửa hàng bán đồ ăn nhanh trên toàn thủ đô của Philippines sẽ được chuyển về bãi rác này.

“Tôi đã làm công việc này được 5 tháng. Tôi làm từ 12 giờ trưa cho tới bây giờ. Ông chủ trả tôi khoảng 6 USD một tuần sau khi bán hết “pagpag”. Số tiền này đủ để tôi trả tiền sinh hoạt nhà cửa, mua gạo và các thực phẩm khác”, Renato chia sẻ.

Norberto Lucion, một ông chủ quán ăn, đã mua túi thịt thừa từ những người thu gom với giá khoảng 0,5 USD/túi. Sau đó, ông ra chợ mua thêm các nguyên liệu như hành tỏi để chế biến món “pagpag”.

“Trước khi nấu tôi phải gỡ xương khỏi thịt. Sau đó, tôi sẽ rửa lại và cho thịt vào nồi nước sốt khuấy đều. Một bát thịt “pagpag” tôi bán khoảng 0,2 USD”, Lucion cho biết.

Sau khi thưởng thức “pagpag”, Nonoy Morallos, một người giao kem cho biết anh rất thích món ăn này vì rất ngon và dễ ăn. Nonoy nói rằng món “pagpag” ở đây làm rất sạch, vì vậy ngày càng nhiều người đến mua và họ đã quen với việc ăn món này.

“Đây là thứ người nghèo có thể mua được. Chừng nào chúng tôi còn ở đây, chừng đó chúng tôi còn ăn món này”, Nonoy nói thêm.

Thành Đạt

Theo BBC