"Brexit" và Việt Nam
Trong những ngày này, đâu đâu người ta cũng bàn luận sôi nổi về câu chuyện động trời là đa số người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc đất nước mình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-một sự kiện được gọi tắt là "Brexit", nghĩa là “nước Anh ra đi”.
Toàn cảnh “Hội thoại Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam: Lễ công bố Sách Trắng 2016 và tầm nhìn EU – Việt Nam FTA”. (Ảnh minh họa)
Điều đó cũng dễ hiểu, vì một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và thứ 2 châu Âu rời bỏ liên minh được coi là lớn nhất và thành công nhất hoàn cầu thì đúng là một cơn địa chấn rung động thế gian. Đương nhiên sự kiện tầm cỡ như vậy sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc không chỉ tới nước Anh và châu Âu mà cả thế giới. Là một bộ phận không tách rời của thế giới, nước ta không thể không bị “vạ lây”.
Vậy tác động ấy mạnh, yếu ra sao, ngắn, dài thế nào? Có thể hình dung tác động của "Brexit" đối với nước ta trên ba cấp độ: Tác động tức thì mang tính ngắn hạn; tác động trung hạn, chí ít trong vài ba năm tới khi nước Anh và EU đàm phàn về thủ tục "chia tay" và tác động dài hạn. "Brexit" vừa mới xảy ra, nhiều tác động trung và dài hạn chưa bộc lộ rõ nét, cần theo dõi chặt chẽ, phân tích thấu đáo. Điều cần làm lúc này là dự báo những tác động tức thì.
Một số người cho rằng, tác động của "Brexit" đối với Việt Nam không lớn, cá biệt có người còn cho rằng, hầu như kinh tế nước ta không hề hấn gì. Những ý kiến này thường căn cứ vào tỷ trọng rất nhỏ của riêng nước Anh trong xuất-nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại tệ… của Việt Nam. Nếu chỉ nhìn đơn tuyến mối quan hệ Việt-Anh thì có thể là như vậy, song trong một thế giới tính tùy thuộc lẫn nhau rất lớn thì tác động gián tiếp và rộng lớn mới đáng quan tâm.
Tới đây, tôi bỗng nhớ lại hồi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu vào năm 2008. Lúc đó cũng có ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính-tiền tệ Việt Nam nói riêng còn chưa gắn kết quá sâu với thế giới nên tác động không lớn. Thế rồi sau đó kinh tế nước ta vướng vào vòng lạm phát nghiêm trọng, tốc độ tăng trưởng tuột dốc. Nguồn gốc của thực trạng đáng buồn ấy đương nhiên do những nhân tố chủ quan là chính, song một phần còn do những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, trong đó có tình hình tài chính-tiền tệ toàn cầu.
Ngày nay, kinh tế toàn cầu tuy đang phục hồi nhưng khá uể oải, lại bị vụ "Brexit" giáng thêm một đòn nặng nề nữa nên quá trình ấy càng chậm chạp hơn. Khác với năm 2007, khi nước ta đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong những năm đổi mới và đứng hàng thứ hai châu Á, ngày nay kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những con số vừa được công bố về tình hình 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy điều đó, nhất là tốc độ tăng trưởng chưa như mong đợi, bội chi ngân sách rất cao. Một đặc điểm khác nữa là ngày nay kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn trước rất nhiều. Vì vậy, khi dự báo tác động nên nhìn rộng ra kinh tế toàn cầu chứ không nên chỉ chú tâm vào tỷ trọng kinh tế Anh trong kinh tế Việt Nam.
Một khía cạnh khác cần được tính đến là những tác động của "Brexit" tới các nước khác, nhất là các đối tác kinh tế chủ yếu của nước ta, từ đó gây “tác động vòng” tới nước ta. Ví dụ, tỷ trọng nước Anh trong kinh tế nước ta không lớn nhưng tỷ trọng EU lại rất lớn, sự chao đảo của nó dưới tác động "Brexit" không thể không ảnh hưởng tới nước ta. Các nền kinh tế: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… vốn gắn bó chặt chẽ với kinh tế Anh, đồng thời lại là những đối tác hàng đầu của nước ta. Họ chịu tác động thế nào và sẽ ứng phó ra sao là điều cần được chú trọng theo dõi, dự báo.
Hay như câu chuyện về giá trị các đồng tiền. Dưới tác động của "Brexit", giá trị đồng bảng Anh và euro giảm, giá USD và Yen Nhật tăng trong khi nợ công và dự trữ ngoại tệ của nước ta lại chủ yếu bằng hai đồng tiền lên giá này. Vậy điều đó sẽ tác động ra sao, nhất là nợ công và dịch vụ nợ trong chi ngân sách ngày một cao? Chắc các chuyên gia sẽ phải chẻ các sợi tóc ra làm đôi để mổ xẻ tác động và phản ứng của từng đối tác, từng lĩnh vực, từng mặt hàng mới có thể nhận diện được tương đối đầy đủ bức tranh chung.
Đương nhiên không nên đánh đồng tác động của "Brexit" và tác động của cuộc khủng hoảng bùng phát năm 2008 vì hai sự kiện tuy đều động trời song căn nguyên, tính chất, tác động khác nhau. Hai sự kiện trên có điểm giống nhau là tác động của chúng đều lan tỏa ra toàn cầu, trong đó có nước ta. Do đó ta cần bình tĩnh, tỉnh táo, đồng thời tích cực chủ động phân tích, dự báo để có cách xử lý thích hợp. Những bài học của những năm sau khủng hoảng bùng phát năm 2008 rất hữu ích trong lúc này.
Còn đối với những tác động trung hạn, tức là vài ba năm tới, khi Anh và EU đàm phán về quá trình "ly hôn" thì chưa có căn cứ để đánh giá vì chưa biết bao giờ họ mới kích hoạt quá trình đàm phán, mô hình quan hệ giữa họ với nhau sẽ như thế nào, kết quả đàm phán sẽ ra sao… Một điều có thể thấy trước là nhân tố bất định sẽ gia tăng và chúng ta phải tính đến trong việc hoạch định chính sách và điều hành kinh tế.
Đối với những tác động cơ bản, tổng thể và lâu dài mang tính chiến lược toàn cầu cả về kinh tế lẫn chính trị-an ninh thì cần có thời gian, song cũng không nên chậm trễ nghiên cứu ứng phó vì ít nhiều đều liên quan tới nước ta.
Tác giả: VŨ KHOAN (Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ)
Theo Quân đội nhân dân