1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bóng ma chiến tranh Lạnh từ các cuộc tập trận Nga, NATO

Giữa lúc căng thẳng Nga - NATO lên mức đỉnh do khủng hoảng Ukraine, điện Kremlin tiến hành một loạt các cuộc diễn tập kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đáp lại, NATO cũng khởi động các cuộc tập trận quy mô quốc tế ở châu Âu.

Hồi tuần trước, Nga bất ngờ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu không báo trước đối với hạm đội Biển Đen, Biển Baltic, quân khu miền Tây và lực lượng đổ bộ đường không. Quy mô các cuộc tập trận này cũng rất ấn tượng: Từ tác chiến rừng núi ở vùng Caucasus tới bảo vệ đảo ở Bắc Cực. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  xem đây là cách để Moskva thể hiện sức mạnh. Điều đáng lưu ý là ở chỗ, chuỗi tập trận này không phải là lần đầu. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Nga và NATO đều tăng cường tần suất, quy mô các cuộc diễn tập, với giả tưởng là các kịch bản xung đột quân sự có thể nổ ra.

Nhiều vũ khí hạng nặng của Nga được huy động trong diễn tập quân sự (Ảnh: RIA Novosti)
Nhiều vũ khí hạng nặng của Nga được huy động trong diễn tập quân sự (Ảnh: RIA Novosti)

Thực tế này gợi nhớ lại ký ức của các cuộc tập trận quy mô lớn thời chiến tranh Lạnh. Tại thời điểm đó, NATO và Khối Warsaw do Liên Xô đứng đầu thường xuyên mở các cuộc diễn tập quốc tế, với sự tham dự của quân đội các nước thành viên, mục đích là để bảo đảm năng lực tác chiến hợp đồng phòng khi có biến cố chiến tranh. Liên Xô và các đồng minh từng có cuộc tập trận lớn nhất mang tên Dnepr-67 và Zapad-81, huy động hàng chục ngàn binh lính, tác chiến hợp đồng quân binh chủng, sử dụng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. NATO cũng không chịu kém cạnh: cuộc tập trận hợp đồng tác chiến Able Archer-83 từng được xem là bước thao diễn triển khai binh lực khi bị đánh đòn hạt nhân. Kế đến là diễn tập Reforger-88 ở Tây Đức, huy động đến 125.000 quân.

Chiến tranh Lạnh kết thúc, cùng với nhiều hiệp định trọn gói được ký kết đã giúp tạo dựng lòng tin giữa các bên lúc trước vẫn còn là đối thủ của nhau. Các cuộc tập trận cũng giảm xuống cả về tần suất và quy mô, hầu như không còn tập trận lớn. Nhiệm vụ diễn tập cũng đi vào các vấn đề mang tính cục bộ: Chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, giải cứu con tin, cứu trợ thảm họa, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu… Nga và NATO thậm chí còn diễn tập cùng nhau trong các khoa mục gìn giữ hòa bình, nhân đạo.

Chính biến tháng 2/2014 tại Ukraine kèm theo đó là căng thẳng ở vùng biên giới Nga - Ukraine đã tạo ra rạn nứt mới giữa Moskva với phương Tây. Điện Kremlin đã buộc phải tiến hành nhiều bước đi nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Diễn tập quân sự trong năm 2014-2015 vì thế được quân đội Nga tiến hành với mật độ dày hơn, quy mô cũng lớn hơn. Tại cuộc tập trận Zapad 2014, Nga đã huy động hàng chục ngàn binh sĩ, có cả sự tham dự của Ấn Độ, Trung Quốc và đây được xem là một trong những cuộc thao diễn lớn nhất ở Viễn Đông. Đặc biệt, diễn tập Vostock-2014 với sự tham dự của 155.000 binh sĩ, 2.500 đơn vị vũ khí đã xác lập kỉ lục diễn tập quân sự lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Tàu chiến của NATO tại cuộc tập trận trên Biển Đen hôm 10/3/2015
Tàu chiến của NATO tại cuộc tập trận trên Biển Đen hôm 10/3/2015

Về phần mình, NATO cũng không chịu ngồi yên. Chỉ tính năm 2014, liên minh quân sự này đã thực hiện 10 cuộc tập trận tại nhiều nước khác nhau và đều giáp biên giới Nga, từ Ukraine cho tới Na Uy. Từ đầu năm 2015 đến nay, NATO cũng đã mở một loạt các cuộc diễn tập ở vùng Baltic, Biển Đen. Mới nhất là diễn tập Joint Viking (10-18/3) tại tỉnh Finnmark ở vùng cực Bắc Na Uy, giáp bán đảo Kola của Nga trên Biển Đen. Nó diễn ra đúng thời điểm Nga tiến hành chiến dịch kiểm tra khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Nga và NATO có thể theo đuổi các mục tiêu khác nhau qua các cuộc diễn tập. Nhưng chắc chắn một điều, đối đầu quốc tế liên quan đến khủng hoảng Ukraine sẽ làm cho hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn ở cả hai phía. Ngày 24/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ có nhiều cuộc tập trận hơn nữa vào cuối năm nay. Đáp lại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, tổ chức này hiện không được phép lựa chọn giữa phòng vệ tập thể hay quản lý khủng hoảng, mà phải thực hiện cả hai. Ông đồng thời cảnh báo NATO và từng nước thành viên đều phải sẵn sàng cho các tình huống không mong đợi, vì môi trường an ninh đã có sự thay đổi đột biến.

Theo Hoài Thanh (theo Russia Direct, UNIAN)