1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bóng dáng Trung Quốc phía sau thương vụ F-16 giữa Mỹ và Pakistan

Việt Hương

(Dân trí) - Việc Mỹ thông qua thương vụ trị giá 450 triệu USD nhằm bảo trì và nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Pakistan, một đồng minh của Trung Quốc, đã làm dấy lên những câu hỏi.

Bóng dáng Trung Quốc phía sau thương vụ F-16 giữa Mỹ và Pakistan - 1
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Pakistan bay theo đội hình trong một buổi lễ ở Islamabad năm 2005 (Ảnh: AP).

Lần đầu tiên kể từ khi Mỹ hủy viện trợ quân sự cho Pakistan vào năm 2018, trong tháng 9 này, Washington đã thông qua thương vụ trị giá 450 triệu USD để bảo trì và nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan. Động thái này báo hiệu sự tan băng trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Thương vụ được công bố vào ngày 9/9 sau một loạt các hoạt động ngoại giao, làm dấy lên suy đoán rằng với việc cung cấp bảo trì cho máy bay chiến đấu của Pakistan trong 5 năm tới, quân đội Mỹ có thể tiếp cận không phận nước này một cách bí mật để thực hiện các hoạt động chống khủng bố.

Mặc dù Islamabad đã nhiều lần phủ nhận thông tin trên, nhưng giới quan sát tin rằng vụ ám sát thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tại Kabul, Afghanistan vào cuối tháng 7 là do một máy bay không người lái của Mỹ thực hiện khi bay ngang qua không phận Pakistan để nhắm mục tiêu.

Dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã hủy khoản viện trợ quân sự 300 triệu USD cho Pakistan vào năm 2018. Washington cáo buộc Islamabad không chỉ thiếu quyết đoán khi chống lại các phiến quân mà còn cung cấp một thiên đường an toàn cho các phần tử nổi dậy chiến đấu ở Afghanistan và lãnh thổ tranh chấp Kashmir.

Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc và mối quan hệ song phương vẫn căng thẳng trong suốt thời gian cầm quyền của cựu Thủ tướng Imran Khan. Nhưng ông Khan đã bị lật đổ vào đầu năm nay. Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường hoạt động ngoại giao với cả quân đội của Pakistan và chính phủ liên minh mới của nước này mới nhậm chức hồi tháng 4.

Một quan chức cấp cao của Pakistan đã bác bỏ "lời khẳng định rằng máy bay không người lái của Mỹ đang hoạt động thông qua không phận Pakistan là vô căn cứ".

Bóng dáng Trung Quốc phía sau thương vụ F-16 giữa Mỹ và Pakistan - 2

Thủ lĩnh bị tiêu diệt của al-Qaeda al-Zawahiri (Ảnh: AFP).

Kể từ sau vụ thủ lĩnh Al-Qaeda al-Zawahiri bị tiêu diệt, nhiều máy bay không người lái của Mỹ đã được phát hiện ở Afghanistan để tìm kiếm các phiến quân. Điều này chỉ có thể được thực hiện được vì Pakistan "đang hỗ trợ Mỹ ở một khía cạnh nào đó", theo lời Abdul Basit, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore.

Trong tháng này, một đoàn quan chức cấp cao và phái đoàn Quốc hội Mỹ đã đến thăm Pakistan để thảo luận về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả thương vụ F-16, cũng như hỗ trợ nhân đạo sau trận lũ lụt tàn phá đất nước.

Trong khi thương vụ chỉ diễn ra một lần duy nhất và không có khả năng làm thay đổi cán cân giữa các liên minh khu vực của Washington, ông Kugelman cho rằng "đó thực sự là lời nhắc nhở về một thực tế đã bị bỏ qua" rằng Pakistan đã duy trì một liên minh quân sự gần như không bị gián đoạn với Mỹ kể từ khi giành được độc lập cách đây 75 năm.

Một quan chức Islamabad mô tả thương vụ trên chỉ là một sự "hỗ trợ tiếp theo cho Pakistan" của Mỹ, trong đó Washington cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho máy bay chiến đấu F-16 và các thiết bị khác mà quốc gia Nam Á này mua bằng kinh phí của mình. Hỗ trợ này chưa bao giờ dừng lại, kể cả khi Mỹ hủy bỏ viện trợ quân sự cho Pakistan vào năm 2018.

Bóng dáng Trung Quốc

Thỏa thuận đã gây bất ngờ cho các đối thủ và đồng minh của Washington, đặc biệt là Ấn Độ. New Delhi, đồng minh quan trọng của Mỹ và đối thủ không đội trời chung của Pakistan, đã bày tỏ sự không hài lòng với thương vụ của Mỹ và Pakistan. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết ông đã "chuyển mối quan tâm của Ấn Độ" về thỏa thuận trên với người đồng cấp Mỹ vào ngày 14/9 trong một điện đàm "nồng ấm và hiệu quả".

Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi, vì sao Washington lại chọn cách trang bị tốt hơn cho một đồng minh trung thành của Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên cao nhất trong nhiều thập niên qua.

"Thương vụ này vẫn còn là ẩn số. Nó sẽ không làm hài lòng Ấn Độ và có vẻ kỳ lạ khi hỗ trợ quân sự này cho một đồng minh chủ chốt của Trung Quốc vào thời điểm khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm", Michael Kugelman, Phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, nhận định.

Theo chuyên gia Basit, "việc Trung Quốc không sẵn lòng bán khí tài quân sự cao cấp cho Pakistan có thể là cơ hội để Mỹ cung cấp thứ gì đó để đổi lại sự hợp tác chống khủng bố ở Afghanistan".

Ông Kugelman cho rằng, Mỹ "chắc chắn không muốn Pakistan quá phụ thuộc vào khí tài quân sự của Trung Quốc", chẳng hạn như máy bay chiến đấu J10-C và khinh hạm Loại 054A/P được mua vài tháng gần đây. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Pakistan có thể "tăng lên khi Mỹ và Ấn Độ mở rộng quy mô hợp tác quân sự ".

Trong khi đó, Pakistan cho hay việc mua thiết bị quốc phòng từ Trung Quốc không liên quan đến thương vụ F-16.

"Là quốc gia có chủ quyền trong một khu vực xung đột, Pakistan có quyền mua các thiết bị quốc phòng đáp ứng các yêu cầu của mình và có khả năng răn đe để đối phó với các mưu đồ hiểm ác", một quan chức giấu tên nói.

Theo SCMP, Nikkei