Bộ trưởng Indonesia gọi cách đánh bắt của Trung Quốc là “hành vi tội phạm”
(Dân trí) - Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, đã thể hiện quan điểm cứng rắn khi chỉ trích cách đánh bắt cá của Trung Quốc hiện thời là “hành vi tội phạm”.
Trả lời phỏng vấn SCMP, Bộ trưởng Pudjiastuti cho rằng Trung Quốc - quốc gia có đội tàu cá lớn nhất thế giới - đang không đánh cá trên đại dương, mà đang thực hiện “hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.
Bà Pudjiastuti từ trước tới nay vốn có quan điểm rất thẳng thắn và những chính sách cứng rắn liên quan tới quyền lợi của người dân Indonesia với nguồn thủy hải sản của nước này.
“Chúng tôi có một số bất đồng với Trung Quốc về các vấn đề liên quan tới hành vi đánh bắt cá không báo cáo, không tuân theo nguyên tắc và phạm pháp, nhưng họ dường như vẫn không để tâm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng hành động của họ là tội phạm xuyên quốc gia. Không có sự hỗ trợ từ quốc tế, chúng tôi sẽ không thể chống lại được điều này”, bà Pudjiastuti nói.
Trong 4 năm qua, Indonesia đã cấm 10.000 tàu cá nước ngoài đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển của họ. biện Indonesia đã có các biện pháp răn đe như tịch thu hay phá hủy hàng trăm tàu cá. Theo SCMP, các tàu này phần lớn tới từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Philippines.
Hai năm trước, Trung Quốc từng cam kết sẽ hành động chống lại tình trạng đánh bắt cá vượt mức cho phép, hay mở rộng diện tích đánh bắt cá, bằng cách cắt giảm số lượng tàu cá. Tuần trước, một quan chức từ Bộ Nông Nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh sẽ trừng phạt không khoan nhượng với các tàu cá Trung Quốc vi phạm luật lệ và quy tắc về đánh bắt cá, theo Global Times.
Quan chức cấp cao ngành ngư nghiệp Trung Quốc Liu Xinzhong nói rằng Bắc Kinh rất quan tâm tới việc bảo vệ và duy trì nguồn lực và tài nguyên đại dương.
Tuy nhiên, một báo cáo của Tổ chức Nông lương thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy 1/3 trữ lượng cá phục vụ mục đích thương mại trên thế giới đang biến mất với tốc độ kém bền vững. Thêm vào đó, do trữ lượng cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc giảm, cộng với nhu cầu cao từ thị trường, Bắc Kinh dường như có xu hướng đánh bắt cá ở khu vực nằm ngoài EEZ của họ.
“Một tàu cá 100 GT đánh bắt 2.000 tấn cá mỗi năm. Hàng triệu tấn cá đánh bắt, hàng tỷ USD thu về. Đó là những thương vụ làm ăn đa quốc gia lớn. Trung Quốc gọi đó là đánh cá. Chúng tôi gọi đó là hành vi tội phạm. Chúng tôi không đồng tình với Trung Quốc ở điểm này”, Bộ trưởng Pudjiastuti nhấn mạnh.
Bà Pudjiastuti cam kết sẽ vận động các hòn đảo, các quốc gia vùng duyên hải đối diện nguy cơ thiệt hại từ hành động đánh bắt cá quá mức và biến đối khí hậu, để đưa ra cơ chế giám sát và bảo vệ các khu bảo tồn biển.
Quan chức này cáo buộc ngư dân Trung Quốc đã bị bắt quả tang săn bắt cá mập ở khu vực đảo Galapagos, Nam Thái Bình Dương, một trong những “kho báu” sinh thái của thế giới.
“Làm cách nào mà những ngư dân có thể di chuyển khắp 3/4 bề mặt trái đất và bắt 400 tấn cá mập từ khu vực biển được bảo vệ? Tôi hy vọng với sự quan tâm và hợp tác của cộng đồng quốc tế về các vấn đề liên quan, Trung Quốc sẽ hiểu được họ phải thích ứng được với quy định quốc tế về đánh bắt cá xa bờ”, bà Pudjiastuti cho biết.
Bộ trưởng Indonesia cho rằng với công nghệ đánh bắt cá hiện đại và kích thước của hệ thống lưới và dây kéo, Trung Quốc có thể thả lưới ở hải phận quốc tế và đánh bắt trên EEZ của các quốc gia khác.
Đức Hoàng
Theo SCMP