1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

ASEAN và vấn đề Biển Đông 2015 (Bài 2):

Biển Đông và cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc - Philippines năm 2015

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không hầu tòa vào năm 2015 nhưng nhiều chuyên gia nhận định một phiên tòa xét xử với một bên vắng mặt vẫn sẽ được tiến hành.

Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu vào tháng 1/2013, Philippines nộp Tuyên bố khởi kiện lên Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển yêu cầu xem xét việc một số vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài đồng thời không tham gia vào quá trình tố tụng của vụ kiện này.
 
Đến tháng 3/2014, chính phủ Philippines tiếp tục trình bộ hồ sơ dài 4.000 trang, trong đó nêu rõcác yêu sách của Trung Quốc về đường 9 đoạn trên Biển Đông là phi lý và không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.
 
Biển Đông và cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc - Philippines năm 2015

Theo đúng thủ tục, Tòa Trọng tài quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra bản tranh tụng của mình để trình bày các lập luận và quan điểm pháp lý của Trung Quốc về vụ kiện nói chung và các luận điểm trong bản tranh tụng của Philippines nói riêng trước ngày 15/12/2014.

Ngày 7/12, Trung Quốc ra văn kiện tuyên bố Tòa Trọng tài quốc tế không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong vụ kiện giữa Philippines và nước này.

Ngày 8/12 Philippines đã lên tiếng bác bỏ các lập luận của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết mục đích Manila đệ đơn lên Tòa án quốc tế không phải là nhằm gia tăng áp lực lên Bắc Kinh mà nhằm tìm kiếm một giải pháp bền vững cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cũng khẳng định sự vắng mặt của Trung Quốc không ảnh hưởng tới quá trình tố tụng và tòa dự kiến sẽ ra phán quyết vào khoảng cuối năm 2015.

Vụ kiện Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục như thế nào?

Nhiều chuyên gia nhận định khả năng Trung Quốc tham gia vào quá trình tố tụng trước Tòa Trọng tài quốc tế trong năm 2015 là rất thấp.

Ngày 15/12/2014 là hạn chót mà Trung Quốc phải nộp bản lập luận phản biện trong vụ kiện do Philippines khởi xướng chống lại các yêu sách của nước này ở Biển Đông.
 
Bản đồ đường lưỡi bò bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc (ảnh: AP)

Bản đồ đường lưỡi bò bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc (ảnh: AP)

Thế nhưng, Trung Quốc đã không đệ trình bản lập luận phản biện như Tòa Trọng tài yêu cầu. Thay vào đó, vào ngày 7/12, nước này lại đưa ra Tuyên bố về lập trường của mình, trong đó giải thích vì sao Trung Quốc cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền trong việc xử lý vụ kiện Philippines.

Theo Trung Quốc, kể cả khi Philippines có quyền đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài quốc tế, Trung Quốc vẫn sẽ không bị ràng buộc bởi vụ kiện.

Trung Quốc nhắc lại tuyên bố mà nước này đã gửi lên Liên Hợp Quốc vào năm 2006, trong đó Trung Quốc đã viện dẫn điều 298 của UNCLOS, điều khoản này cho phép các bên ký kết không tham gia vào một số cơ chế giải quyết mang tính bắt buộc đối với một số loại tranh chấp quan trọng nhất định.

Loại trừ quan trọng nhất trong trường hợp này là loại trừ thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan tới vấn đề phân định ranh giới trên biển ở các vùng biển chồng lấn, bao gồm cả lãnh hải, EEZs, và thềm lục địa.

Tuy nhiên, ông Donald R. Rothwell, nhà nghiên cứu về Luật Quốc tế, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật, thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết nếu một trong các bên tranh chấp từ chối không gia vào quá trình tố tụng, Tòa Trọng tài vẫn có thể được thành lập và xem xét vụ kiện với một bên vắng mặt. Điều này đã được quy định rõ trong Phụ lục VII của UNCLOS.
 
 Các thẩm phán của Tòa án Trọng tài Quốc tế thụ lý vụ kiện Philippines (Ảnh: Inquirer)

 Các thẩm phán của Tòa án Trọng tài Quốc tế thụ lý vụ kiện Philippines (Ảnh: Inquirer)

Nhưng để thực hiện được phương án trên, trước hết Tòa Trọng tài cần phải chứng minh được rằng họ có thẩm quyền đối với vụ tranh chấp, ông Donald R. Rothwell cho biết thêm.

Sau khi xác định được thẩm quyền, bước tiếp theo, Tòa sẽ yêu cầu Philippines trả lời các câu hỏi liên quan đến bản tranh tụng mà Philippines đệ trình hồi tháng 3/2014. Một số câu hỏi sẽ liên quan đến các luận điểm mà Trung Quốc đã nêu ra trong Tuyên bố về lập trường ngày 7/12.

Chưa có một mốc thời gian cụ thể đối với việc đưa ra phán quyết của Tòa án Quốc tế nhưng sớm nhất Tòa Trọng tài quốc tế có thể đưa ra được quyết định là vào khoảng thời gian cuối năm 2015.

Nếu phán quyết được đưa ra, đây sẽ là phán quyết có tác động lớn nhất từ trước nay, ông Gregory B. Poling, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington, nhận định.

Không chấp nhận ra tòa, Trung Quốc sẽ có nhiều bất lợi

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), nhận định Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện.

Nếu Trung Quốc không hầu tòa, dư luận sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia ỷ lớn hiếp yếu và thiếu trách nhiệm trong cam kết giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình. “Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Bắc Kinh; và dù gì thì họ cũng rất lo ngại hình ảnh của mình bị tổn hại”, ông Abuza nói.

Còn Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) viện dẫn về một tiền lệ, trước đây Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vào năm 1984 cũng từng xử vắng mặt chính quyền Mỹ vụ Washington hậu thuẫn phiến quân chống lại chính phủ Nicaragua. ICJ phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế mặc dù Washington không tham dự phiên tòa.

Tuy nhiên trong vụ kiện với Nicaragua, Mỹ đã tham dự vào giai đoạn 1 – giai đoạn “Xem xét tòa ICJ có thẩm quyền hay không” mà không tham gia giai đoạn 2 – giai đoạn “Xem xét Mỹ có vi phạm hay không”.

Còn Trung Quốc lại không tham gia bất kỳ giai đoạn nào trước Tòa trọng tài trong vụ kiện với Philippines. Trước phán quyết của tòa IJC, Mỹ vẫn thiện chí hơn là Trung Quốc.

Tạp chí The Establishment Post nhận định:Trong thời gian tới, nếu Philippines và Trung Quốc vẫn không giải quyết được các tranh chấp trên Biển Đông thì có lẽ Philippines sẽ vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện đến cùng. Vụ kiện mà kéo dài sẽ chỉ càng khiến dư luận quốc tế chú ý hơn đến Trung Quốc nhiều hơn./.

Theo Phương Chi/VOV.VN