1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông "lặng sóng" nhờ... bão

(Dân trí) - Lấy lý do thời tiết xấu, cả Trung Quốc và Philippines đều ra lệnh rút các tàu của mình khỏi khu vực bãi đá cạn tranh chấp Scaborough/Hoàng Nham. Cơn bão chính trị dai dẳng hơn 2 tháng qua trên Biển Đông đang tạm lắng dịu nhờ... một cơn bão nhiệt đới đang hình thành.

Cả Trung Quốc và Philippines cùng lệnh cho các tàu về bờ để tránh thời tiết xấu.
Cả Trung Quốc và Philippines cùng lệnh cho các tàu về bờ để tránh thời tiết xấu.
 

Bão làm ... sóng lặng 

Thời tiết xấu có lẽ đang trở thành một lý do tốt để cả Philippines và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng trong vụ tranh chấp chủ quyền đối với bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông.

Trong tuyên bố ngày 18/6, Ngoại trưởng Philippines thông báo Tổng thống Benigno Aquino đã ra lệnh rút các tàu của Philippines ra khỏi vùng tranh chấp vì thời tiết xấu sau hơn hai tháng có mặt tại Scarborough/Hoàng Nham.

"Tối 15/6, Tổng thống Aquino đã ra lệnh rút một tàu tuần duyên và một tàu khảo sát của Cục Ngư nghiệp khỏi bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông do cơn bão nhiệt đới Guchol đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Bắc nước này", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nêu rõ.

Trong động thái tương tự ngay sau đó, trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cũng nói rằng Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực bãi đá cạn nhanh chóng quay về đất liền cũng với lý do tương tự.

"Trung Quốc đã điều một tàu cứu hộ đến khu vực bãi đá Hoàng Nham/Scarborough để giúp đỡ các tàu cá Trung Quốc rút khỏi khu vực này vì thời tiết tại quá xấu và biển động mạnh", tuyên bố trên trang web khẳng định.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hoan nghênh quyết định đơn phương rút tàu tuần duyên của Manila.

“Chúng tôi ghi nhận sự rút lui của các tàu Philippines và hy vọng rằng, cử chỉ này sẽ làm dịu căng thẳng”, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói.

Quyết định rút tàu của Trung Quốc và Philippines đã tạm thời chấm dứt 2 tháng đối đầu căng thẳng  trên Biển Đông, vốn nảy sinh sau khi Trung Quốc phái tàu ngư chính đến Hoàng Nham/Scarborough để chặn các tàu tuần duyên Philippines bắt giữ 8 tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển tranh chấp. Căng thẳng đã có lúc leo thang đến mức Trung Quốc điều tới khu vực này gần 100 tàu thuyền các loại từ những tàu hải giám, tàu đánh cá tới những tàu đa dụng nhỏ.  

Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là liệu Biển Đông có thực sự lặng sóng sau cơn bão Guchol?

Bão tan, biển có lại nổi sóng?

Mặc dù Manila và Bắc Kinh đã đồng ý triệt thoái các tàu của mình ra khỏi vành đai san hô ở trung tâm bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham, nhưng cả hai bên cũng khẳng định đây không phải là sự rút lui hoàn toàn, có nghĩa hai bên không loại trừ khả năng sẽ điều các tàu quay trở lại khi sóng lặng.

"Việc rút tàu không có nghĩa là Philippines sẽ từ bỏ chủ quyền đối với khu vực Scarborough. Khi nào thời tiết cải thiện, chúng tôi sẽ tái thẩm định vấn đề”, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines, thời điểm cân nhắc việc đưa tàu trở lại khu vực tranh chấp ngắn hay dài sẽ tùy thuộc vào diễn biến của bão Guchol, cũng như điều kiện thời tiết thực tế trên Biển Đông. 

Về phần mình, Trung Quốc tuy không đề cập trực tiếp tới khả năng đưa tàu trở lại Hoàng Nham/Scarbogough, song đây sẽ là quyết định khó tránh khỏi nếu như Manila có hành động trước.

Bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc khẳng định có quyền kiểm soát đối với 90% diện tích ở Biển Đông, trong đó có khu vực bãi đá cạn hình móng ngựa Scarborough/Hoàng Nham, bất chấp thực tế là bãi đá này chỉ cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 140 hải lý về phía Tây.

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), các nước có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ thềm lục địa của nước mình.

Vì vậy, trong tuyên bố mới nhất đưa ra giữa tuần trước, Ngoại trưởng Philippines cho biết Manila vẫn giữ ý định đưa hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Scarborough/Hoàng Nham ra trước Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), bất chấp việc Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Vũ Anh