1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bị quan chức Mỹ dọa loại khỏi WTO, Trung Quốc “phản pháo”

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng sau khi một cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất phương án đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh: China News)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh: China News)

“WTO là một tổ chức đa phương, không phải thuộc sở hữu của riêng Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/11.

Bình luận của ông Cảnh Sảng được đưa ra sau khi ông Kevin Hassett, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Donald Trump, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Trung Quốc đã hành xử không đúng với tư cách là một thành viên của WTO. Ông Hassett đề xuất phương án loại Trung Quốc ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới.

“Chúng tôi chưa bao giờ hình dung được một quốc gia có thể gia nhập WTO và hành xử như Trung Quốc. Đây có lẽ là điều mới mẻ với tổ chức này khi có một thành viên nhiều lần hành xử sai trái như vậy”, ông Hassett cho biết.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đề xuất của cố vấn Tổng thống Trump đã phơi bày tâm lý “tự cao tự đại” cũng như “sự bắt nạt” của Washington đối với Bắc Kinh. Ông Cảnh Sảng cũng đề cập tới việc Mỹ gần đây đã rút khỏi các tổ chức như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cùng một loạt các cơ chế hợp tác quốc tế như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

“Nếu tôi nhớ không nhầm, Mỹ trước đây thậm chí còn dọa rút khỏi WTO. Vậy mà bây giờ Mỹ đề xuất về việc loại Trung Quốc khỏi WTO với cái cớ là để cải tổ tổ chức này. Thật lố bịch”, ông Cảnh Sảng nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mâu thuẫn giữa các thành viên của WTO có thể được giải quyết thông qua đàm phán và hợp tác. Tuy nhiên, việc “đuổi” một quốc gia ra khỏi WTO là một ý tưởng nguy hiểm, nhất là với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Nước nào sẽ là nước tiếp theo nếu Mỹ dám đề xuất loại Trung Quốc khỏi WTO?”, ông Cảnh Sảng đặt câu hỏi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này luôn thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ kể từ khi gia nhập WTO và đã nhận được lời khen, từ cả tổng thư ký WTO, vì sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với hệ thống thương mại đa phương cũng như vai trò của Bắc Kinh trong tổ chức.

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại WTO Zhang Xiangchen ngày 20/11 tuyên bố WTO là một tổ chức đa phương công khai, chứ không phải công cụ để đáp ứng nhu cầu của một số thành viên nhất định.

“Định hướng cải tổ đối với WTO nên tập trung vào việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Việc cải tổ phải nhằm thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư”, Tân Hoa Xã dẫn lời Đại sứ Zhang cho biết.

Tại phiên họp của WTO hôm 21/11, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tiếp tục “đấu khẩu” nhau về thương mại. Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea chỉ trích Trung Quốc lợi dụng WTO để thúc đẩy những chính sách “phi thị trường”, từ đó đảo lộn thị trường thế giới, dẫn đến năng lực sản xuất dư thừa, đặc biệt là mặt hàng thép và nhôm.

Đáp lại, quan chức Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh không muốn tham gia vào “trò chơi” đổ lỗi cho nhau, đồng thời nói rằng Mỹ đã không thể chứng minh cho những cáo buộc "vô căn cứ" về kinh tế Trung Quốc mà Washington dùng để che đậy cho những vi phạm của mình đối với các quy định của WTO.

Thành Đạt

Theo Straitstimes