Bị Mỹ "tấn công" dồn dập, Trung Quốc mở mặt trận mới trong cuộc chiến tuyên truyền
(Dân trí) - Bị Mỹ tấn công mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông chính thống và mạng xã hội, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài đã buộc phải lên tiếng trên mạng xã hội để đáp trả. Đây là một mặt trận mới trong cách tiếp cận ngày càng quyết liệt hơn của Bắc Kinh về ngoại giao và tuyên truyền.
Reuters đưa tin, từ tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã có những chia sẻ đầu tiên từ tài khoản Twitter mới lập, trong đó có đề cập tới vấn đề Đài Loan, nhận được hàng nghìn bình luận.
“Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Không âm mưu nào nhằm chia cắt Trung Quốc có thể thành công. Những kẻ đùa với lửa sẽ chỉ khiến họ bị bỏng mà thôi”, ông Khải viết, sau khi Trung Quốc đe dọa tung các biện pháp cấm vận đối với các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Vào cuối tuần qua, một nhà ngoại giao khác của Trung Quốc là ông Zhao Lijian, nhân vật thứ 2 tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan, cũng chia sẻ một loạt các dòng tweet nhằm bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương, chỉ trích Mỹ về các vấn đề nhân quyền của nước này và về cái mà ông miêu tả là “đạo đức giả”.
Các nhà phân tích cho hay, một loạt các chỉ trích gần đây về Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter đã vấp phải làn sóng ngoại giao phản ứng dữ dội, chưa từng thấy mà Bắc Kinh đang triển khai trên toàn cầu.
Yuan Zeng, một học giả về Truyền thông và Thông tin tại Đại học Leeds (Anh), cho hay các dòng tweet của các nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược của Trung Quốc.
“Để các nhà ngoại giao riêng rẽ lên tiếng công khai như vậy thì đây là một điều mới”, bà Zeng nói.
Tuy nhiên, mạng xã hội Twitter bị chặn tại Trung Quốc và các thông điệp của các nhà ngoại giao được viết bằng tiếng Anh nhắm vào độc giả nước ngoài.
Các trang tin của Trung Quốc, trong đó có các tờ báo tuyên truyền hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc như Nhân dân Nhật báo và Xinhua, cũng nhắm vào các độc giả ở bên ngoài Trung Quốc.
Các dòng tweet của ông Zhao là nhằm đáp trả một bức thư mà 22 quốc gia tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ký hồi tuần trước kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các vụ bắt giữ tại Tân Cương.
Ông Zhao đã chỉ trích Mỹ vì đối xử tệ với người Hồi giáo tại những nơi như Iraq và Vịnh Guantanamo, nơi các tay súng khủng bố al-Qaeda bị giam giữ. Ông cũng chia sẻ một linh bài có liên quan tới một bài viết của báo Washington Post về mâu thuẫn tôn giáo tại thủ đô và sau đó viết một loạt các dòng tweet về bạo lực súng đạn, tội phạm xuất phát từ động cơ thù ghét, bạo lực chống lại phụ nữ tại Mỹ.
Đáp trả ông Zhao trên Twitter, bà Susan Rice, người từng là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời chính quyền Obama, đã lên tiếng chỉ trích ông Zhao, và kêu gọi ông Khải đảm bảo ằng ông Zhao bị cách chức.
Ông Zhao sau đó cũng đáp trả, nhấn mạnh rằng ông hiện công tác tại Islamabad (Pakistan), chứ không phải Washington.
Trung Quốc và Mỹ từ lâu đã tranh cãi về vấn đề nhân quyền, và trong những năm gần đây Bắc Kinh đã đưa ra báo cáo nhân quyền thường niên về tình hình tại Mỹ, tập trung vào các vấn đề như chủng tộc hoặc tội phạm súng đạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã khuyến khích các quan chức “bày tỏ rõ lập trường và quan điểm của Trung Quốc”, để tham gia các mạng xã hội nước ngoài và tìm cách hợp tác sâu rộng hơn với báo chí.
“Chúng ta chưa bao giờ gần trung tâm của trường quốc tế đến thế”, bà Oánh viết hồi tuần trước trên một tạp chí nghiên cứu của Trung Quốc. “Nhưng chúng ta không có tiếng nói đầy đủ”.
An Bình