1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí mật thảm họa nguyên tử Tscheljabinsk-40

(Dân trí) - Cách đây 50 năm, một thảm họa nguyên tử đã xảy ra tại thành phố bí mật thuộc Liên xô cũ Tscheljabinsk 40. Mức độ phóng xạ phát ra tại đây còn còn lớn hơn cả vụ Chernobyl khi một thùng bằng thép chứa 80 tấn chất lỏng phóng xạ đã bị nổ tung.

Vụ nổ vô cùng nguy hiểm này được coi là một bí mật quốc gia và đã được giấu kín trong hơn ba chục năm. Vụ nổ tại cơ sở hạt nhân Majak (Hải đăng) xảy ra vào ngày 29/9/1957 ở phía đông Ural khi một thùng thép chứa 80 tấn chất lỏng phóng xạ phát nổ. Đây là chất thải phóng xạ của các cơ sở chế tạo vũ khí nguyên tử của Liên xô.

 

Tuy mức độ ô nhiễm phóng xạ ở Majak lớn hơn nhiều so với Chernobyl nhưng không mấy ai nhớ tới thảm hoạ này bởi nó đã bị giấu kín trong hơn 30 năm. Mãi đến khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, Mátxcơva mới thừa nhận từng xảy ra vụ thảm hoạ gây ra cái chết đau đớn cho rất nhiều người. Đến những năm 90, người ta chỉ đề cập đến “vụ tai nạn ở Kysthym”, tên một cái làng ở gần đó chứ không hề nói về một vụ nổ.

 

Thùng thép hình trụ chôn sâu dưới đất 2 mét và được làm lạnh bằng nước lạnh chảy thường xuyên trong một bồn bằng bê tông. Trong lượng chất lỏng này xảy ra các phản ứng hóa học và từ đó hình thành các hoá chất như muối acetat và nitrat, những nguyên liệu để làm thuốc nổ. Không ai phát hiện hệ thống nước làm nguội không hoạt động, 250 m3 chất lỏng trong thùng thép bắt đầu bốc hơi và sau đó làm nổ tung bồn thép.

Bí mật thảm họa nguyên tử Tscheljabinsk-40 - 1

Bức tranh thành phố tối mật Tscheljabinsk-40, nay mang tên  Osjorsk (phần trên của bức tranh) và cơ sở nguyên tử Majak (phần dưới bức tranh).

Theo các nhân chứng kể lại thì sau vụ nổ bầu trời có mầu xanh thẫm các cửa kính những toà nhà trong khu vực bị vỡ tan. Các chất phóng xạ dưới dạng các chất đồng vị Cäsium-137 và  Strontium-90 phát ra ngoài. Khoảng 90% chất phóng xạ tập trung ở khu vực  xung quanh Majak và thành phố bí mật Tscheljabinsk-40, sau này đổi tên là Tscheljabinsk-65. Bụi phóng xạ lên đến độ cao 1.000 mét.

 

Khác với vụ tai nạn ở Chernobyl, sau vụ nổ ở Majak nhiều ngày liền gió thổi theo hướng tây nam. Chất phóng xạ rơi tập trung trên một dải dài 300 km, rộng 50 km xuất phát từ Majak theo hướng đông bắc. Khu vực này sẽ còn tiếp tục bị ô nhiễm phóng xạ hàng trăm năm. Khu vực bị nhiễm xạ chính có diện tích rộng tới 150 km2 và hiện do lực lượng quân đội canh giữ. 

 

Tscheljabinsk-40, cách thành phố Tscheljabinsk khoảng 100 km. Tscheljabinsk có tên trong bản đồ và không phải là thành phố bí mật. Khoảng 20.000 nhà khoa học và nhân viên từng làm việc ở Majak sinh sống tại đây.  Một nhân chứng kể lại hồi đó mọi thứ đều bị nhiễm xạ, kể cả tiền. Thành phố Tscheljabinsk-40, nay mang tên chính thức là Osjorsk, sau vụ tai hoạ đã được khử độc triệt để trong vòng nửa năm. Tuy nhiên cho đến nay ở thành phố này hàng ngày bên cạnh công bố số liệu về thời tiết bao giờ cũng đề cập đến tình trạng nhiễm xạ.

 

Mười ngày sau vụ nổ đã có 1.000 người phải di cư đi nơi khác vì làng của họ nằm trong khu vực bị bụi phóng xạ, có làng ở cách nơi xảy ra vụ nổ tới 25 km. Hai năm sau đó có ba đợt di cư với tổng số dân lên tới 10.700. Để người dân không tự động quay trở về quê cũ chính quyền đã san bằng toàn bộ hạ tầng cơ sở chỉ chừa lại một ngôi nhà thờ cổ kính.

 

Bí mật thảm họa nguyên tử Tscheljabinsk-40 - 2
 

Người dân khu vực bị nhiễm xạ đã phải di rời đi nơi khác. Nhà thờ đứng trơ trọi một mình, các công trình xây dựng khác đều bị san bằng.

 

 

Từ năm, 1976 phương Tây đã có lời đồn đại về một tai hoạ nguyên tử trong những năm 50 ở vùng Ural. Lời đồn đại này dựa vào một công trình điều tra nghiên cứu của chuyên gia sinh hoá Liên Xô Schores Alexandrowitsch Medwedew, ông là phần tử chống đối chế độ và đã bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1973 và sau đó sinh sống ở Anh. Ông cho rằng đã xảy ra một vụ nổ hạt nhân, nhưng hồi đó không mấy người tin ông. Nay khi nghiên cứu tại chỗ các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và sức khoẻ ở Neuherberg thừa nhận nguyên nhân tai hoạ là do phản ứng hoá học dẫn đến nổ bình chứa chất lỏng phóng xạ.

 

Ngay trước khi xảy ra vụ nổ năm 1957, người dân ở các làng ven sông Tetscha cũng đã bị những căn bệnh lạ. Người ta đã thải nước thải bị nhiễm xạ ra sông. Những người ăn cá bắt từ dòng sông bị nhiễm xạ hoặc tắm rửa, giặt giũ ở đây đều bị mắc một số căn bệnh trong đó nhiều nhất là bệnh máu trắng.

 

Thay vì xả nước thải nhiễm xạ ra sông sau này người ta dẫn nước thải vào một hồ nước nhân tạo. Nhưng cũng từ biện pháp lợi bất cập hại này mà sau đó đã xảy ra một thảm hoạ tiếp theo. Vào những mùa hè ít mưa, hồ chứa nước bị khô cạn gió đưa bụi nhiễm xạ lên tới 200000 Gigabecquerel trong hồ bay đi khắp nơi. Một lần nữa bụi phóng xạ lại rơi xuống những vùng trước đây từng bị tai họa. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, hồ Karatschai đã bị san lấp nhằm tránh một tai hoạ tiếp theo.

 

Việt Phương

Theo Welt