1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bí mật những thăm trầm loại bom N của Mỹ

Ngày 7/4/1978, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra quyết định hoãn sản xuất bom N, loại vũ khí dùng tia neutron được thiết kế chuyên chỉ để giết người và giảm tối thiểu sức tàn phá cơ sở vật chất so với các đầu đạn hạt nhân thông thường.

Bom N (neutron), còn được gọi lã Vũ khí gia tăng phóng xạ ERW, thực chất là một loại vũ khí sử dụng nhiệt hạch để tạo ra một vụ nổ nhỏ, nhưng giải phóng khối lượng lớn tia phóng xạ gây thương vong.

 

Chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter rất quan tâm đến loại vũ khí mới nói trên. Họ muốn trang bị loại đầu đạn chứa tia neutron như trong bom N cho các tên lửa Lance và đạn pháo đang được triển khai tại châu Âu.

 

Các tư lệnh quân đội Mỹ tin rằng, đó sẽ là loại vũ khí lý tưởng để chống lại sự phát triển của quân đội Liên Xô tại châu Âu. Nhưng nhiều chính trị gia thuộc phe tả và tự do ở châu Âu và Mỹ lại coi việc sử dụng bom N sẽ càng làm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thêm khả năng xảy ra.

 

Do lo ngại vì nguy cơ trên, một loạt cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối bom N diễn ra trên khắp châu Âu. Một số nước như Na Uy, Bỉ và Hà Lan tuyên bố từ chối cho triển khai loại bom này trên lãnh thổ của họ.

 

Những diễn biến mới cũng gây ra các rắc rối ngoại giao kéo dài suốt một tuần đối với Mỹ. Tình hình bất lợi đã buộc Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phải ra quyết định trì hoãn việc sản xuất bom N vào đầu tháng 4/1978.

 

Sự ra đời của bom N

 

 

Bí mật những thăm trầm loại bom N của Mỹ  - 1
 

Tổng thống Jimmy Carter.

Người khởi xướng phát triển bom N là nhà khoa học Mỹ Sam Cohen, bắt đầu từ năm 1958. Ý tưởng của ông là tách bỏ các vỏ bọc uranium trong bom khinh khí (còn gọi là bom H hay bom hydro), để các tia neutron phát tán xa hơn và xuyên qua những lớp thép bảo vệ dày hay những công trình xây dựng kiên cố.

 

Nhưng vào đầu thập kỷ 60, Tổng thống Mỹ Kennedy giữ quan điểm chống lại việc nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí có sử dụng tia neutron. Bởi ông lo ngại việc này có thể phá vỡ quyết định tạm ngưng thử hạt nhân đang có hiệu lực vào thời điểm đó.

 

Sau đó, bom N lại tiếp tục bị "thất sủng" sau quyết định hoãn sản xuất của Tổng thống Jimmy Carter năm 1978. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông là Ronald Reagan quyết định thay đổi chính sách. Vị tổng thống thứ 40 của nước Mỹ này ra lệnh cho tái sản xuất các đầu đạn có chứa neutron vào năm 1981.

 

Nhưng cuối cùng chỉ có một số lượng nhỏ vũ khí chứa tia neutron được xuất xưởng. Hơn nữa, chúng cũng không bao giờ được triển khai cạnh các đơn vị hạt nhân của Mỹ tại châu Âu, do tranh cãi gay gắt xung quanh kế hoạch này.

 

Trong khi đó, quốc gia từng thử nghiệm và sản xuất các đầu đạn chứa tia neutron vào đầu những năm 1980 là Pháp quyết định từ bỏ loại vũ khí này vào năm 1986, do áp lực của cộng đồng quốc tế và từ trong nước.

 

Tuy vậy, bom N không phải vì thế đã hoàn toàn hết thời và không được quan tâm nữa. Năm 1999, Trung Quốc công bố rằng, họ đã nắm trong tay công nghệ để chế tạo một quả bom huỷ diệt loại này.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm