Trung Quốc:
Bí mật khiến "ngôi sao chính trường" lĩnh án tử
Sáng 11/11, Tòa án Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) đã tuyên án tử hình đối với Chu Minh Quốc, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương, vì tội nhận hối lộ và có số tài sản bất minh rất lớn.
Phán quyết của tòa nêu rõ, từ 2002 – 2014, Chu Minh Quốc đã lợi dụng các chức vụ Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó bí thư tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (UBKTKL), Bí thư Ủy ban Chính pháp, Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Quảng Đông, để giúp đỡ người khác nhận thầu công trình, khai thác đất đai… nhằm được hối 141 triệu NDT (490 tỷ VND).
Ngoài ra, Quốc còn có số tài sản trên 91,04 triệu NDT (318 tỷ VND) nhưng không thể giải trình rõ nguồn gốc do đâu mà có. Tòa nhận định, Quốc đã mang lại lợi ích cho người khác để nhận số tài sản phi pháp đặc biệt lớn, vi phạm quy định về liêm khiết, gây tổn thất rất lớn cho đất nước và nhân dân.
Tuy nhiên do Quốc sau khi bị bắt đã thật thà khai báo tội lỗi, lại nhận tội hối tội, tích cực giao nộp tang vật, đã thu hồi được hết số tiền tang vật nên được hưởng mức án nhẹ hơn quy định. Cụ thể, Quốc bị tuyên án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tước qyền chính trị suốt đời và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Lên nhanh, xuống chóng
Chu Minh Quốc sinh năm 1957, quê ở đảo Hải Nam, từng được coi là “ngôi sao chính trường Quảng Đông” đi lên từ cơ sở. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, nhưng Quốc đã vượt lên, tham gia nhiều công tác khác nhau, từ giáo viên tiểu học tới đội viên giáo dục đường lối…
Từ 2001- 2006, Quốc là Ủy viên thường vụ, Bí thư Chính pháp, Giám đốc Công an Trùng Khánh; từ 2006-2010 là Ủy viên thường vụ, Bí thư UBKTKL tỉnh ủy Quảng Đông, sau đó được giao thêm chức Phó Bí thư tỉnh ủy, Bí thư Chính pháp; từ 2013 – 2014 kiêm thêm chức Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh. Tại Đại hội 18, Quốc được bầu làm Ủy viên dự khuyết trung ương.
Chu Minh Quốc có tài ăn nói và thái độ thân thiện với giới truyền thông. Ông ta không những chủ động “tiết lộ tin nóng” mọi nơi mọi lúc mà còn rất thích tiếp và trả lời báo chí. Ông ta luôn khẳng định mình là người “làm theo ý dân, đáp ứng mọi bức xúc”, thậm chí còn từng khôi hài “Tôi là người làm công cho báo chí và cũng là làm công cho nhân dân”.
Điển hình nhất cho thành công của Chu Minh Quốc là trong việc giải quyết vụ dân chúng nổi dậy chống tham nhũng và vấn đề đất đai ở làng Ô Khảm năm 2011. Giữa lúc mâu thuẫn dân chúng với chính quyền lên đến đỉnh điểm, Chu Minh Quốc (khi đó là Phó bí thư tỉnh ủy) đã xuống đối thoại, công nhận ủy ban tự quản, thả những người bị bắt…
Nhờ đó, người dân đã chấp thuận dỡ bỏ chướng ngại vật mời vào làng, tháo được ngòi nổ. Sau vụ này, uy tín của Chu Minh Quốc trong chính trường và dân chúng Quảng Đông tăng vọt, và nhờ đó ông ta được bầu vào Trung ương tại Đại hội 18.
Tuy nhiên, sau đó, Quốc bị tố cáo và liên đới bởi một vụ án tham nhũng. Tới ngày 28/11/2014, UBKTKLTW thông báo Quốc đang bị điều tra vì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, pháp luật. Năm ngày sau, Quốc bị bãi miễn chức vụ lãnh đạo. Tới tháng 1/2015, Quốc bị bãi chức Chủ tịch tại Hội nghị lần 9 Ban thường vụ Chính Hiệp tỉnh khóa 11.
Báo Pháp chế Buổi chiều ngày 25/12/2014 đưa tin: “Các nhân viên điều tra đã tìm được tại nhà Chu Minh Quốc rất nhiều vàng, tiền mặt, đóng thùng, lại phải dùng ôtô chở hơn 10 chuyến mới hết; trong đó một số tiền mặt đã bị mục do ẩm mốc”.
Ngày 17/2/2015, UBKTKLTW ra thông báo cho biết đã báo cáo trung ương xem xét phê chuẩn khai trừ đảng, cách chức vụ công đối với Quốc, chuyển vấn đề phạm tội, manh mối và tang vật cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật. Từ ngày 25/5/2016, Tòa án Liễu Châu (Quảng Tây) đã mở phiên tòa xét xử Chu Minh Quốc, sau gần 6 tháng, đến nay tòa mới đưa ra phán quyết.
Ngoại tình và mê tín
Báo chí cho biết, sự suy đồi của Chu Minh Quốc bắt đầu từ việc ngoại tình. Khi giữ chức Phó tỉnh trưởng Hải Nam, dù đã có vợ và vi phạm nghiêm trọng chế độ “1 vợ 1 con” khi có tới 5 con, song Quốc vẫn ngoại tình, có con với người phụ nữ khác rồi tìm cách bỏ vợ để cưới nhân tình.
Lẽ ra Quốc phải bị xử lý kỷ luật, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Chu Vĩnh Khang nên được điều tới Trùng Khánh giữ chức vụ cao hơn, để một thời gian quay trở lại Quảng Đông. Tại Trùng Khánh, Quốc đã bồi dưỡng đề bạt cảnh sát biến chất Văn Cường làm người thay thế mình làm Giám đốc Công an Trùng Khánh. Cường đã bị tử hình năm 2010 vì các tội nhận hối lộ, cưỡng hiếp và bao che xã hội đen.
Về mối quan hệ giữa Chu Minh Quốc và Chu Vĩnh Khang, theo tiết lộ của cán bộ UBKTKLTW với báo chí, sau khi Chu Vĩnh Khang bị điều tra, khám nhà ông ta, các nhân viên tổ chuyên án đã tìm thấy một bức thư “bày tỏ lòng trung hiếu” của Chu Minh Quốc. Theo đó, Quốc đã gửi bức thư này kèm theo một khoản tiền đưa hối lộ nhờ Khang giúp đỡ đề bạt.
Thư còn kèm theo cả bản sơ yếu lý lịch của Quốc. Sau khi Khang bị bắt, có lẽ Quốc dự đoán được mình bị liên đới khó có thể an toàn nên đã trở nên mê tín khác thường. Quốc bái “đại sư phong thủy” Vương Lâm làm ân nhân, từng tặng Lâm rất nhiều vàng và cả súng ngắn, cho hưởng chế độ cán bộ cao cấp khi bị ốm được điều trị tại bệnh viện Quảng Châu. Tại nhà riêng nghe lời thày, Quốc cho xây sửa 24 bậc cầu thang, đặt tượng Kỳ Lân trước cửa.
Những người xung quanh Quốc cho biết, ông ta đặc biệt tin phong thủy, mời thày về xem lại thiết kế nơi làm việc, từ xây tường bao đến mở lại cửa chính, xây mới phòng làm việc. Hôm khánh thành, Quốc còn cho mời thày đến cúng nhập trạch linh đình. Tuy nhiên, tất cả những việc đó vẫn không giúp ông ta tránh được “ngã ngựa, xộ khám”.
Theo Ngô Tuyết
Vietnamnet