Bên trong hệ thống nhà tù chính trị đầy bí ẩn của Triều Tiên
(Dân trí) - Theo BBC, Triều Tiên dường như có một hệ thống nhà tù bí ẩn và thường đặt ở những vùng thưa thớt dân cư. Một nửa trong số những người bị bắt giam được cho là vì lý do chính trị.
Sáng sớm ngày 10/5 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã tới một căn cứ quân sự gần Washington DC để đón 3 công dân Mỹ Kim Hak-song, Tony Kim và Kim Dong-chul. Đây là những người vừa được Triều Tiên phóng thích ngày 9/5, động thái được cho là thể hiện thiện chí của Triều Tiên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều diễn ra trong vài tuần tới.
Ngoài 3 công dân trên, hiện Triều Tiên còn đang giam giữ một số tù nhân chính trị khác bên trong hệ thống nhà tù khá bí ẩn của nước này.
BBC trích nhiều nguồn tin cho biết điều kiện sống và sinh hoạt các các tù nhân trong nhà tù Bình Nhưỡng dường như khá khắc nghiệt. Ông Kim Dong-chul nói rằng ông phải làm nhiều các công việc nặng nhọc nhưng khi ông bị bệnh, Triều Tiên cũng cử người đến chữa trị.
Theo một báo cáo về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố năm 2014, trong các nhà tù chính trị, Bình Nhưỡng được cho là cách ly hoàn toàn các tù nhân với thế giới bên ngoài, kể cả với những người mang quốc tịch Triều Tiên.
BBC cho hay, hệ thống nhà tù Triều Tiên dường như được chia làm 2 loại chính: các cơ sở được điều hành bởi lực lượng an ninh cho các tù nhân phạm tội chính trị và các trại lao động cho những người phạm tội phi chính trị. Trong một số trường hợp, các tù nhân chính trị cũng bị giam ở các trại lao động tập trung.
Theo các hình ảnh chụp từ vệ tinh và lời kể của những người từng làm nghề cai ngục cũng như các tù nhân đã được thả ra, chi tiết về các nhà tù này đã được tiết lộ.
Theo đó, Triều Tiên dường như thường đặt các nhà tù ở khu vực miền núi và hẻo lánh. Với người dân nước này, cụm từ “gửi đi lên núi” đồng nghĩa với việc bị bắt giam, theo báo cáo của LHQ. Nhà tù lớn nhất của Bình Nhưỡng được cho là rộng hàng trăm km2.
Tổ chức Nhân quyền Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ (HRNK) cho biết, hiện có khoảng 120.000 người bị bắt giữ vì lý do chính trị. Viện thống nhất quốc gia Hàn Quốc ước tính có khoảng 80.000 tới 120.000 tù nhân chính trị ở Triều Tiên, giảm so với 10 năm trước khi con số vào thời điểm đó vào khoảng 150.000 tới 200.000 người.
Theo LHQ, một số tù nhân có thể đã tử vong bên trong các hệ thống nhà tù này do các điều kiện được cho là khá khắc nghiệt.
Tù nhân ngoại quốc tại Triều Tiên, Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên có trụ sở ở Hàn Quốc thống kê dựa trên thông tin do những người đào tẩu Triều Tiên cung cấp, cho biết có thể có khoảng một nửa các tù nhân ở Triều Tiên bị bắt vì lý do chính trị, phần còn lại là vì các tội liên quan tới kinh tế, hành chính.
Tù nhân ngoại quốc tại Triều Tiên
Triều Tiên cũng bắt giữ một số công dân nước ngoài. Người Mỹ cuối cùng được thả trước vụ phóng thích ngày 9/5 là sinh viên Otto Warmbier. Anh Warmbier đã bị giam trong 17 tháng và tử vong 1 tuần sau khi được trả tự do. Phía Triều Tiên cho biết thanh niên này đã bị hôn mê 1 năm sau khi bị ngộ độc thực phẩm, nhưng phía gia đình Warmbier đã cáo buộc Triều Tiên ngược đãi nam sinh viên.
Mục sư người Canada Lim Hyeon-soo, bị kết tội “âm mưu lật đổ chế độ”, được thả vào tháng 8 năm ngoái vì “lý do nhân đạo”. Trước đó, ông bị kết án chung thân lao động khổ sai và đã thụ án được 1 năm trước khi được phóng thích.
Theo Chosun Ilbo, hiện có 6 công dân Hàn Quốc bị Bình Nhưỡng bắt giữ, trong đó có 3 người làm nhiệm vụ truyền đạo, 3 người là người Triều Tiên đào tẩu đã được cấp quốc tịch Hàn Quốc.
Một nguồn tin khác từ chính phủ Seoul cho hay sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, phía Triều Tiên dường như đã bắt giữ 3.853 công dân Hàn Quốc. Hầu hết trong số đó (3.319 người) đã quay về và hiện có khoảng 516 người vẫn “bặt vô âm tín”. Phần lớn trong số đó là các ngư dân, còn lại các sinh viên và quan chức quân sự.
Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết Triều Tiên từng bắt cóc 17 người Nhật Bản nhằm hỗ trợ dạy tiếng Nhật cho các điệp viên Triều Tiên. Hiện 5 người đã được thả về. Năm 2002, sau nhiều năm phản bác, Triều Tiên đã thừa nhận sự việc trên. Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il khi đó được cho là đã thẳng thắn xin lỗi phía Nhật Bản.
Chia sẻ với BBC, đại diện tổ chức HRNK cho biết họ đang điều tra về tình hình của 12 công dân Nhật Bản. Triều Tiên nói 8 người đã chết và 4 người chưa bao giờ tới quốc gia này, nhưng HRNK nghi ngờ về tính xác thực của giấy chứng tử và các lời giải thích mà phía Bình nhưỡng cung cấp.
Đức Hoàng
Theo BBC