1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bê bối trong trợ giá gạo ở Thái Lan (Bài 2): Kẽ hở cho tham nhũng

Chỉ một tháng sau khi lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính, vào giữa tháng 6/2014, chính quyền quân sự ở Thái Lan đã quyết định chấm dứt chương trình trợ giá gạo.

Các đại biểu bỏ phiếu tại phiên luận tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. (Nguồn:
Các đại biểu bỏ phiếu tại phiên luận tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố tất cả các chương trình trợ giá gạo sẽ bị hủy bỏ chừng nào chúng không mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân.

Trên thực tế, giới chức Thái Lan đã phát hiện ra nhiều kẽ hở cho tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo. Những kẽ hở đó khiến nông dân không phải là đối tượng hưởng lợi chính giống như mục tiêu ban đầu của chương trình gây tranh cãi này.

Những cáo buộc tham nhũng

Cuối tháng 12/2014, Thủ tướng Prayut tuyên bố Chính phủ Thái Lan sẽ có hành động pháp lý chống lại những người chịu trách nhiệm gây ra thiệt hại gần 680 tỷ baht trong chương trình trợ giá gạo.

Hôm 17/3, theo đề xuất của Ủy ban chống tham nhũng Quốc gia (NACC), Văn phòng Tổng Chưởng lý đã truy tố ông Boonsong Teriyapirom, cựu Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền của bà Yingluck, và 20 người khác, trong đó có cả các lãnh đạo của Siam Indica - công ty kinh doanh gạo lớn của Thái Lan, với cáo buộc âm mưu làm giả các thỏa thuận mua bán gạo liên chính phủ, lạm quyền và hỗ trợ cho việc lạm quyền, và tham nhũng.

Năm 2013, Bộ Thương mại Thái Lan thông báo Chính phủ sẽ bán 1,2 triệu tấn gạo mà họ đã mua theo chương trình trợ giá cho Trung Quốc theo hợp đồng liên chính phủ. Tuy nhiên, Wicha Mahakun, một thành viên của NACC, cho biết thương vụ trên chưa bao giờ diễn ra và “không có bất cứ thỏa thuận mua bán liên chính phủ nào.”

Kết quả điều tra của NACC cho thấy số gạo trên đã được bán cho hai công ty Guandong Stationery & Sporting Goods Imp. & Exp. Corp. và Hainan Grain and Oil Industrial Trading Company có trụ sở tại Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường.

Điều đáng nói là các công ty này không được cấp phép nhập khẩu gạo theo các hợp đồng liên chính phủ. Vì vậy, theo NACC, các công ty này không thể hành động nhân danh Chính phủ Trung Quốc. Sau đó, hai công ty trên đã bán lại cho công ty Siam Indica của Thái Lan và Siam Indica đã bán số gạo đó ra thị trường nội địa.

Người ta nghi ngờ với mánh khóe trên, gạo chỉ được chuyển giao trên giấy tờ mà chưa được chuyển ra khỏi Thái Lan và sau đó được bán lại ở thị trường nội địa với giá ngang giá thị trường và những người liên quan đã hưởng lợi từ thỏa thuận ma này.

Cùng với việc làm giả các thỏa thuận mua bán gạo liên chính phủ, giới truyền thông Thái Lan đã đề cập tới một mánh khóe tham nhũng khác của một số quan chức ở nước này là nhập lậu gạo từ các nước láng giềng và đưa số gạo đó vào danh sách trợ giá để hưởng chênh lệch.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng Thái Lan cũng phát hiện một số đối tượng đã khai khống số gạo mua theo chương trình trợ giá để hưởng lợi hoặc ăn cắp gạo trong các kho dự trữ. Đây là lý do dẫn tới sự chênh lệch về khối lượng gạo tồn kho trên giấy tờ và trên thực tế ở một số kho chứa.

Thiệt đơn, thiệt kép

Các số liệu thống kê của Bộ Tài chính Thái Lan cho thấy trong giai đoạn 2004-2014, nước này đã chi 1.100 tỷ baht để thực hiện 15 chương trình trợ giá gạo. Tổng thiệt hại từ các chương trình này là khoảng hơn 682 tỷ baht, trong đó riêng chương trình thực hiện dưới thời chính quyền của bà Yingluck đã gây thiệt hại 518 tỷ baht, chiếm 76%. Tuy nhiên, nếu tính cả số gạo bị thất thoát hoặc hư hỏng trong quá trình bảo quản, số tiền thiệt hại có thể cao hơn nhiều.

Trong khi đó, kết quả kiểm tra hơn 1.800 kho dự trữ gạo trên khắp cả nước do các đoàn thanh tra của chính quyền quân sự thực hiện hồi giữa năm ngoái cho thấy trong số hơn 17 triệu tấn gạo tồn kho theo chương trình trợ giá dưới thời chính quyền của bà Yingluck, có khoảng 2,19 triệu tấn đủ chất lượng và được coi là loại A. Hơn 14,4 triệu tấn được đánh giá vào loại B và số còn lại kém chất lượng bị liệt vào loại C.

Vào đầu tháng 1/2015, Chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch kéo dài hai năm để giải quyết hơn 17 triệu tấn gạo tồn kho được mua theo chương trình trợ giá của chính phủ tiền nhiệm, trong đó dự kiến khoảng 10 triệu tấn gạo sẽ được bán trong năm nay.

Giới phân tích cho rằng đây không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi thị trường gạo thế giới đang ở trong tình trạng cung vượt quá cầu và nông sản này đã liên tục rớt giá trên thị trường quốc tế kể từ cuối năm 2012.

Bên cạnh đó, vào thời điểm khi Thái Lan vẫn còn giữ vị trí nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nước này cũng chỉ xuất khẩu bình quân khoảng 10 triệu tấn gạo/năm, trong khi lượng gạo tồn kho hiện lên tới 17 triệu tấn.

Vì vậy, nếu muốn giảm bớt lượng gạo tồn kho, chắc chắn Thái Lan sẽ phải giảm giá, nhất là giá bán gạo loại B và C. Nếu Thái Lan giảm giá gạo, các đối thủ cạnh tranh khác cũng sẽ giảm giá và đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc.

Mặt khác, nếu Chính phủ Thái Lan không nhanh chóng giải quyết gạo tồn kho, chất lượng của số gạo này sẽ giảm dần cho dù được bảo quản trong điều kiện lý tưởng, trong khi chi phí kho bãi và bảo quản lại tăng dần theo thời gian. Nếu Bangkok bán tháo số gạo trên, điều đó sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng dư cung trên thế giới. Khi đó, con số thiệt hại từ chương trình này sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Theo hãng tin Bloomberg, kể từ khi chính quyền của bà Yingluck bắt đầu thực hiện chương trình trợ giá gạo, giá bán gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm mạnh từ mức đỉnh 647 USD/tấn năm 2011 xuống còn 420 USD/tấn hôm 21/1/2015.

Như vậy, sự biến động về giá gạo đã xảy ra đúng như dự báo của ông Hiroyuki Konuma, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) kiêm đại diện của tổ chức này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hồi giữa năm 2013, ông Konuma nhận định Chính phủ Thái Lan sẽ phải từ bỏ hy vọng bán được gạo ở mức giá cao hơn so với giá thế giới bởi vì, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giải phóng kho dự trữ gạo trước khi vụ thu hoạch lúa bắt đầu vào tháng 10/2013.

Một thiệt hại khác mà chương trình trợ giá gây ra cho ngân sách Nhà nước là Chính phủ phải chi ngân sách để thuê kho chứa gạo của tư nhân do lượng gạo tồn kho tăng mạnh.

Theo tiết lộ của Thủ tướng Prayut hồi cuối năm 2014, Chính phủ Thái Lan phải chi bình quân hơn 2 tỷ baht/tháng để thuê kho chứa gạo.

Ngoài ra, một thiệt hại vô hình khác đối với Thái Lan mà người ta chưa thể cảm nhận được ngay là uy tín của ngành sản xuất gạo Thái Lan trên thị trường thế giới với tư cách là nhà cung ứng gạo đáng tin cậy về chất lượng đã biến mất bởi vì, nhiều hộ nông dân ở nước này đã tăng sản lượng bằng cách sử dụng các giống lúa có năng suất cao nhưng chất lượng kém hơn nhằm thu lợi từ chương trình trợ giá./.
 
Theo Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/be-boi-trong-tro-gia-gao-o-thai-lan-bai-2-ke-ho-cho-tham-nhung/320361.vnp