Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc đua gay cấn vào Nhà Trắng

Ngô Tiến Long

(Dân trí) - "Không ai có thể tiên đoán chắc chắn ai sẽ là người chiến thắng, nhưng điều chắc chắn là nước Mỹ đang đứng trước một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất lịch sử".

Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc đua gay cấn vào Nhà Trắng - 1

Bà Kamala Harris và đối thủ Donald Trump (Ảnh: Telegraph).

Đó là nhận định của ông David Axelrod, cựu cố vấn chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama trên CNN ngày 3/11. 

Cuộc đua gay cấn chưa từng có

Chỉ còn ít giờ nữa là đến thời khắc quyết định cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Cuộc đối đầu vẫn rất sít sao, gay cấn và đầy kịch tính.

Theo khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos công bố ngày 2/11, bà Harris đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 45% so với 42% trên phạm vi toàn quốc. Đáng chú ý, tại các bang chiến trường then chốt, cuộc đua thậm chí còn khó đoán hơn: Pennsylvania: Harris 46% - Trump 45%; Michigan: Trump 44% - Harris 43%; Georgia: Cả hai đều 44%; Arizona: Harris 45% - Trump 44%.

Đáng chú ý, có tới 15% cử tri vẫn chưa quyết định lựa chọn của mình, một tỷ lệ cao bất thường so với các cuộc bầu cử trước đây. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia về bầu cử Mỹ vẫn có ý kiến cho rằng những dự báo được công bố lâu nay là chưa thật đầy đủ và toàn diện. Lý do dẫn đến tình trạng đó là, ngoài việc nhiều cuộc khảo sát/thăm dò được coi là mang tính đảng phái nên có phần thiếu khách quan, cũng còn có cả tâm lý muốn tránh bị "việt vị" khi dự báo sai giống 2 lần bầu cử gần nhất nên tìm cách thể hiện trung dung hơn.

Nay, khi chỉ còn ít giờ nữa là đến giờ G, ngày bầu cử 5/11 ở Mỹ, mọi con mắt trên toàn thế giới đang đổ dồn vào việc xem các ứng viên làm những gì trong những giờ nước rút này và có những yếu tố gì mới có thể ảnh hưởng đến kết cục cuộc đua. Điều nổi bật và dễ thấy nhất là cả 2 ứng viên Dân chủ và Cộng hòa là đều tập trung lôi kéo cử tri ở các bang chiến trường, nơi tranh chấp đang rất quyết liệt.

Kamala Harris: Năng lượng trẻ và đa sắc màu

Bà Harris tập trung nhằm vào các cử tri trẻ tuổi, nữ, người gốc Latinh… và tích cực huy động những người nổi tiếng, những ngôi sao nhạc nhẹ hàng đầu trong làng giải trí lên mạng xã hội hoặc tới các sự kiện vận động bầu cử nhằm đưa được nhiều nhất có thể những cử tri trẻ đi bỏ phiếu ủng hộ cho mình.

Tại sự kiện "Youth Power Rally" ở Philadelphia ngày 1/11, bà Harris cùng nữ ca sỹ Taylor Swift đã thu hút được hơn 50,000 người tham dự, phần lớn là cử tri dưới 25 tuổi. "Tương lai nước Mỹ nằm trong tay các bạn", bà Harris tuyên bố trước đám đông cuồng nhiệt.

Chiến dịch của bà Harris còn gây ấn tượng với series TikTok "A Day with VP" thu hút hơn 100 triệu lượt xem, chủ yếu giới thiệu những khoảnh khắc đời thường và quan điểm của bà về các vấn đề như biến đổi khí hậu, quyền phụ nữ và công bằng xã hội.

Donald Trump: Đánh thức "người đàn ông im lặng"

Trong khi đó, ông Trump đã khéo léo chuyển hướng để thu hút nam giới Gen Z, đặc biệt là nhóm không có bằng đại học da trắng. Trên podcast "The Joe Rogan Experience" với hơn 11 triệu người nghe trực tiếp, cựu Tổng thống Trump đã thẳng thắn thảo luận về các vấn đề như việc làm, lạm phát và "manhood crisis" - thuật ngữ ông dùng để mô tả tình trạng nam giới trẻ cảm thấy bị xã hội hiện đại gạt ra ngoài lề.

Thực ra ông Trump đang đặt cược rất nhiều vào khối cử tri trên để khơi dậy một làn sóng nam giới trẻ tuổi đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử sắp tới và nếu thành công, đây có thể sẽ là một kỳ tích bất ngờ hơn cả chiến thắng mà ông từng đạt được vào năm 2016, khi thuyết phục một lượng lớn cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động lần đầu tiên bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Từ sự "đồng hành" của các cựu quan chức Dân chủ

Thực tế là cựu Ngoại trưởng Hillary và Tổng thống thứ 42 của Mỹ là Clinton hay vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama hoặc cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy đã luôn đứng sau bà Kamala Harris từ khi Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump không chỉ không được người tiền nhiệm Cộng hòa nào công khai ủng hộ, mà còn bị nhiều quan chức của đảng phản đối, trong đó không kể cả trăm quan chức cao cấp từng làm việc trong các chính quyền Cộng hòa trước đây đã viết thư bày tỏ phản đối ông Trump và hứa sẽ bỏ phiếu cho bà Harris như cựu nghị sỹ Cộng hòa Liz Cheney, cựu Thống đốc Cộng hòa bang California Arnold Schwarzenegger hay cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Điều đáng kể ông Trump làm được về mặt này đã lôi kéo thành công ông Kennedy, cháu của cựu Tổng thống John F. Kennedey, từ bỏ vị trí ứng viên độc lập để quay sang ủng hộ chiến dịch tranh cử của mình.

Đến sự "quay xe" ủng hộ ứng viên Cộng hòa của giới tinh hoa công nghệ

Sự ủng hộ của Thung lũng Silicon dành cho ông Trump không chỉ thể hiện ở việc tỷ phú công nghệ, người giàu nhất hành tinh Elon Musk dành cả tiền bạc, phương tiện, bộ máy và thời gian để giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump, đặc biệt là ở các bang chiến trường, mà còn có hàng loạt tỷ phú nổi tiếng khác như Vivek Ramaswamy, Chamath Palihapitiya, David Saks hay Peter Thiel… vốn là những người thường có truyền thống ủng hộ cho đảng Dân chủ.

Theo Wall Street Journal, các tỷ phú công nghệ đã đóng góp hơn 250 triệu USD cho chiến dịch của ông Trump, trong đó riêng Elon Musk là 100 triệu USD. Điều này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên giới tinh hoa công nghệ công khai đứng về phía đảng Cộng hòa. Lý do đằng sau sự thay đổi này không chỉ là vấn đề thuế mà còn là sự tự do sáng tạo, đồng tiền số và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI.

Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal, giải thích: "Đây là về tầm nhìn cho tương lai nước Mỹ. Chúng ta cần một môi trường cho phép đổi mới và sáng tạo thay vì ngày càng nhiều quy định và kiểm soát".

Diễn biến các điểm nóng và phản ứng dây chuyền

Mặc dù tình hình Gaza và nguy cơ bùng nổ chiến tranh ra toàn khu vực Vùng Vịnh - Trung Đông sau những leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran thời gian qua gần đây đã có dấu hiệu tạm lắng dịu, nhưng theo khảo sát của Pew Research, 72% cử tri gốc Ả-rập vẫn tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho phó Tổng thống Harris. Đây có thể là một tổn thất đáng kể cho ứng viên đảng Dân chủ Harris tại các bang chiến trường quan trọng như Michigan, nơi có khoảng 200.000 cử tri gốc Ả-rập sinh sống.

Còn về mối đe dọa từ Triều Tiên, các chuyên gia an ninh quốc tế cảnh báo về khả năng Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân mới trong 24 giờ tới. Nếu điều này thực sự xảy ra, "đây có thể là nỗ lực can thiệp trực tiếp vào cuộc bầu cử Mỹ", cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Christopher Hill nhận định.

Đến các yếu tố nội bộ bất ngờ

Ngày 1/11 vừa qua đã bất ngờ xuất hiện cuốn băng ghi âm từ năm 2017 tiết lộ Jeffrey Epstein, một cố tỷ phú ấu dâm, đã nói chuyện trong khoảng 10 giờ đồng hồ kể chi tiết về việc cựu Tổng thống Trump có mối quan hệ xã hội thân thiết với nhân vật đầy tai tiếng này, điều cựu Tổng thống từng kiên quyết bác bỏ. Tuy nhiên, đối với một người dường như là đã "chai sạn" với những cáo buộc kiểu này, ảnh hưởng xấu đối với ông Trump từ cuộn băng trên dường như là không đáng kể.

Trong khi ông Kennedy đã từ bò tư cách ứng viên độc lập và xin rút tên ra khỏi các lá phiếu bầu, bà Jill Stein, ứng viên của đảng Xanh vẫn tiếp tục tranh cử và bị phe Dân chủ công kích như là một yếu tố làm giảm phiếu bầu của cử tri dành cho phó Tổng thống Harris. Thực tế thì trong cuộc bầu cử năm 2016, tại một số bang tranh chấp mà bà Jill Stein đã giành được nhiều phiếu bầu hơn là con số chênh lệch giữa ông Trump và bà Hillary khiến bà Jill Stein bị coi là gián tiếp làm mất cơ hội chiến thắng của cựu Ngoại trưởng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng đã chỉ rõ việc cho rằng những lá phiếu ứng viên đảng Xanh giành được nhẽ ra sẽ thuộc về ứng viên đảng Dân chủ nếu không có ứng viên này là không có cơ sở xác đáng bởi đó là những lá phiếu thể hiện sự phản đối với cả 2 chính đảng lớn nhất ở Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa.

Nguy cơ lật ngược kết quả bầu cử

Hãng tin CNN ghi nhận phong trào "Stop the Steal" tái xuất mạnh mẽ, trong đó một số nhân vật từng cố gắng lật ngược kết quả bầu cử 4 năm trước đã lên kế hoạch làm như vậy một lần nữa nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thất bại. Với lập luận rằng "cách duy nhất khiến chính trị gia đảng Cộng hòa thua cuộc là gian lận", các nhân vật ủng hộ cựu Tổng thống Trump trong nhiều tháng qua đưa ra hàng loạt đề xuất để ngăn Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris giành chiến thắng, chẳng hạn như kiện ra tòa, gây sức ép buộc giới nghị sĩ địa phương không chứng nhận kết quả bỏ phiếu, kích động biểu tình, đặc biệt là vào ngày 6/1/2025 khi Quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả...

Cũng theo CNN, chính cựu Cố vấn an ninh quốc gia thời ông Trump là John Bolton đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông tuyên bố thắng cử sớm để chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris sớm chuẩn bị phương án đối phó một khi tình huống đó xảy ra.

Thực tế thì những tuyên bố của ông Trump về gian lận cử tri sau cuộc bỏ phiếu năm 2020 đã là tiền đề dẫn đến sự kiện bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 do những người ủng hộ ông Trump thực hiện nhằm ngăn chặn hoặc làm chuyển hướng việc Quốc hội chứng nhận số phiếu đại cử tri quyết định ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Dự báo và kết luận

Như giáo sư Đại học Virginia Larry Sabato nhận xét: "Trong chính trị Mỹ hiện đại, điều duy nhất có thể dự đoán được là tính không thể dự đoán". Quả thực là với tình hình như đã diễn ra trong 4-5 tháng qua và đặc biệt là với những diễn biến hiện như đã phân tích, rất khó để có thể dự báo được người chiến thắng trong ngày 5/11 này.

Thay vào đó, cần tính đến cả 3 kịch bản có thể xảy ra như sau: (i) Cựu Tổng thống Trump thắng với cách biệt nhỏ; (ii) Phó Tổng thống Harris thắng sát nút; (iii) Không có kết quả rõ ràng và kiện tụng kéo dài.

Dù kết quả như thế nào, điều chắc chắn là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống lần này sẽ không chỉ định hình lại nước Mỹ mà còn tác động rất lớn đến toàn bộ tình hình và trật tự thế giới trong những năm tới. Đó cũng là lý do vì sao cả thế giới quan tâm theo dõi diễn biến và nóng lòng chờ đón kết quả bầu cử này để có những đối sách, bước đi phù hợp và cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi kịch bản có thể xảy ra sau ngày 5/11 để tiếp tục duy trì và phát huy được tốt nhất lợi ích của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm