1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử Quốc hội Hy Lạp: Phe ủng hộ eurozone giành chiến thắng

(Dân trí) - Cuối cùng, phe bảo thủ vốn ủng hộ các biện pháp tài chính khắc khổ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại của Quốc hội Hy Lạp diễn ra hôm qua, 17/6.

 
Lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Antonis Samaras ăn mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Antonis Samaras ăn mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ.
 
Kết quả này có thể giúp cho các nhà lãnh đạo châu Âu tạm thở phào vì trước mắt kịch bản tồi tệ nhất là Hy Lạp ra khỏi eurozone đã không xảy ra.
 
Theo kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu tính đến trưa ngày 18/6, liên minh bảo thủ đã giành chiến thắng, trong đó đảng đảng Dân chủ Mới có thể được 30.5% số phiếu và đảng Xã hội Pasok được khoảng 12% số phiếu.
 
Liên minh cực tả SYRIZA với cam kết sẽ bãi bỏ các thỏa thuận cứu trợ với các định chế tài chính quốc tế về thứ hai với khoảng 30% số phiếu.
 
Theo luật pháp Hy Lạp, đảng nhận được nhiều phiếu nhất sẽ đương nhiên được hưởng thêm 50 ghế, như vậy, Dân chủ Mới sẽ giành được 129 ghế và Pasok được 33 ghế trên tổng số 300 ghế tại Quốc hội, đủ số quá bán cần thiết để thành lập chính phủ liên minh mới, giải tỏa được nỗi lo Hy Lạp sẽ rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
Sau khi kết quả này được công bố, lãnh đạo đảng Dân chủ Mới, ông Atonis Samaras, đã khẳng định sẽ tôn trọng các cam kết của Hy Lạp với các biện pháp thắt chặt chi tiêu đi kèm các gói cứu trợ quốc tế giành cho quốc gia này.
 
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính đảng có cùng mục tiêu để Hy Lạp tiếp tục là thành viên của eurozone cùng tham gia thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc", ông Samaras nói.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo SYRIZA, ông Alexis Tsipras, mặc dù gửi lời chúc mừng tới chiến thắng tới liên minh bảo thủ song vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu.
 
Phản ứng thế giới

Vừa tạm yên lòng với kết quả bầu cử Hy Lạp, các nền kinh tế hàng đầu thế giới ngay lập tức kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng thành lập chính phủ để sớm thảo luận về các biện pháp cải cách mà nước này cần thực hiện để thoát khỏi khủng hoảng. Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Largarde nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc sớm khởi động các phiên tham vấn ngay trong tuần này về vấn đề này.
 
Trước đó, thủ lĩnh đảng Dân chủ Mới Samaras cũng đề nghị đàm phán lại điều kiện các gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp. Lời kêu gọi này có khả năng sẽ được đáp ứng khi các lãnh đạo của châu Âu đã phát đi tín hiệu sẽ linh hoạt hơn với Athens về những điều khoản trong thỏa thuận vay 130 tỷ euro (165 tỷ USD).
 
Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho biết các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ nhanh chóng đưa ra tuyên bố về cách tiếp cận đối với tình hình hiện nay ở Hy Lạp. Theo ông, khu vực Eurozone vẫn yêu cầu Hy Lạp can dự để tiếp tục duy trì đồng tiền chung, nhưng cũng "quan tâm tới những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể" của nước này. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho rằng eurozone ghi nhận những nỗ lực đáng kể của người dân Hy Lạp.

 Khánh Duy
Theo AFP, Reuters