1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ba kịch bản có thể xảy ra đối với Hy Lạp

(Dân trí) - Cuộc tổng tuyển cử vòng hai ngày 17/6 một lần nữa lại đặt “con nợ” Hy Lạp trước một bước ngoặt quan trọng: ở lại hay ra khỏi Eurozone. Mặc dù các chính đảng đều tuyên bố sẽ giữ chân Hy Lạp ở lại Eurozone, song không vì thế có thể bỏ qua các kịch bản khác.

Châu Âu lo ngại hiệu ứng domino sau khi Hy Lạp rút khỏi Eurozone.
Châu Âu lo ngại hiệu ứng domino sau khi Hy Lạp rút khỏi Eurozone. 

Xét trong bối cảnh thực tế cả về chính trị, kinh tế và xã hội ở Hy Lạp hiện nay, các chuyên gia tài chính nhận định sẽ có 3 kịch bản sau có thể xảy ra đối với “đất nước của những tấm thảm bay”.

Kịch bản thứ nhất: Hy Lạp vẫn ở lại khu vực đồng euro

Đây là kịch bản được nhiều người mong đợi nhất và cũng là kịch bản cao nhất có thể xảy ra.

Nếu chỉ cách đây vài tuần, hẳn không ai dám nghĩ kịch bản này có thể xảy ra. Khi đó, chính trường Hy Lạp đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là hai đảng trong liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ mới và đảng Xã hội Pasok, và bên kia là đảng Syriza – liên minh các lực lượng cực tả ở Hy Lạp.

Trong hai phe này, nhóm liên minh cầm quyền không được lòng dân chúng do có quan điểm thực hiện các kế hoạch chi tiêu khắc khổ để đổi lại gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro, đồng nghĩa với việc sẽ ở lại trong Eurozone. Trong khi đó, đảng Syriza vốn kiên quyết phản đối mọi kế hoạch tài chính hà khắc và đồng ý ra khỏi liên minh tiền tệ chung thì lại nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Tuy nhiên, thế sự nay đã đổi khác. Trước thềm cuộc tổng tuyển cử vòng hai, cả ba đảng Bảo thủ, Dân chủ Mới và Liên minh cánh tả cấp tiến đều đã thu hẹp đáng kể quan điểm trong việc ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Theo dự đoán của giới chuyên gia, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất sau vòng bầu cử này là các chính đảng sẽ nỗ lực ở lại Eurozone với điều kiện chính phủ mới của Hy Lạp sẽ được thương lượng lại về các điều kiện tài chính với bộ ba chủ nợ là Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)  và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Tất nhiên, kịch bản này chỉ có thể đạt được nếu như Athens nhận được cái gật đầu đồng ý của các quốc gia khác trong khu vực.

Kịch bản thứ 2: Hy Lạp tình nguyện rời khỏi khu vực đồng euro.

Trái ngược với kịch bản đầu tiên, viễn cảnh Hy Lạp đơn phương rút khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro sẽ là điều tồi tệ nhất hiện nay, vì có thể sẽ tạo ra phản ứng sụp đổ dây chuyền nhấn chìm thêm một số nền kinh tế thành viên trong khu vực.

Nếu kịch bản này xảy ra, các thành viên còn lại trong Eurozone sẽ phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp khẩn cấp.

Trong khi đó, Hy Lạp sẽ quay trở lại sử dụng đồng tiền trước kia của nước này và sẽ bị đào thải khỏi thị trường vốn quốc tế.

Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro sẽ khiến khu vực này ngay lập tức bị mất 350-400 tỷ euro, đồng thời gây chấn động cho thị trường tài chính quốc tế.

Công ty Goldman Sachs gần đây đã dự đoán, nếu Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro, giá trị nền kinh tế của toàn khu vực sẽ sụt giảm 2%.

Ngân hàng Standard Chartered của Anh cũng cho rằng, nếu các rủi ro nảy sinh từ sự ra đi của Hy Lạp lan rộng, khu vực đồng euro sẽ sụp đổ trong tình trạng tài chính xấu nhất, hoặc sẽ phải thu hẹp thành một khối nhỏ hơn.

Kịch bản thứ 3: Khu vực đồng euro từ bỏ Hy Lạp

Viễn cảnh này có thể sẽ xảy ra nếu chính phủ mới của Hy Lạp không thể thỏa hiệp được với Liên minh châu Âu (EU) về việc thay đổi các điều kiện của gói cứu trợ thứ hai, hoặc là kiên quyết không chịu thực thi các biện pháp khắc khổ và cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ.

Khi đó ECB sẽ ngừng cấp vốn cho Hy Lạp, đồng thời loại nước này ra khỏi khu vực đồng euro. Tác động của viễn cảnh này đối với Hy Lạp cũng sẽ tương tự như viễn cảnh xấu nhất đã nêu trong kịch bản thứ hai.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi các thành viên Eurozone còn đang tranh cãi về “bức tường lửa tài chính” thì việc khu vực này loại Hy Lạp xem ra là điều rất khó xảy ra.

Đức Vũ