1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bầu cử Nghị viện châu Âu: Xu thế hoài nghi hay hội nhập sẽ thắng thế?

Bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa chủ nghĩa dân túy và lực lượng ủng hộ một châu Âu hội nhập.

28 quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị bước vào đợt bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, diễn ra từ ngày 23-26/5. Bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay đang chứng kiến cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ một châu Âu hội nhập với lực lượng các đảng cực hữu, ủng hộ chủ nghĩa dân túy.

Bầu cử Nghị viện châu Âu: Xu thế hoài nghi hay hội nhập sẽ thắng thế? - 1

Bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa chủ nghĩa dân túy và lực lượng ủng hộ một châu Âu hội nhập. Ảnh: Reuters

Bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu, theo chủ nghĩa dân túy, hoài nghi châu Âu. Ngày 18/5 vừa qua, 12 đảng cực hữu, có khuynh hướng hoài nghi châu Âu đã tập hợp tại thủ đô Roma (Italia) để thể hiện sự ủng hộ đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Italia, ông Matteo Salvini. Trong số này có sự góp mặt của bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia (Rassemblement national), lực lượng cực hữu đang nhận được nhiều ý định bỏ phiếu nhất ở nước Pháp (theo nhiều cuộc thăm dò gần đây), vượt qua cả liên minh giữa đảng cầm quyền Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron và Phong trào Dân chủ (MoDem). Bên cạnh đó là các đảng dân túy tại Đức, Hà Lan, Bungari, Cộng hòa Séc, Slovakia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan…

Mục tiêu chính của các đảng cực hữu và dân túy trong sự kiện tại Italia là cho người dân châu Âu thấy được sự lớn mạnh của liên minh các đảng dân túy, hoài nghi châu Âu, nhằm thu hút nhiều nhất có thể số lượng phiếu bầu. Bên cạnh đó, mục tiêu xa hơn của nhóm này là hướng tới thành lập một liên minh có ảnh hưởng lớn tại Nghị viện châu Âu.

Trước khi diễn ra bầu cử châu Âu, lực lượng cực hữu và dân túy đang chiếm ưu thế tại nhiều nước như Italia, Pháp hay Hungary. Tại Hungary, Liên minh Công dân Hungary (Fidesz), đảng dân túy cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban đã nổi lên từ nhiều năm nay. Mặc dù Thủ tướng Hungary không góp mặt trong cuộc gặp cùng 12 đảng cực hữu và dân túy tại Italia vừa qua, đồng thời cũng từ chối liên minh với đảng cực hữu Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen và một số đảng cực hữu khác nhưng cũng tuyên bố sẽ hợp tác với đảng Liên đoàn phương Bắc (Italia) sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.

Lực lượng dân túy châu Âu đáng ra còn mạnh hơn nữa nếu như một thành viên khác là Đảng Tự do Áo (FPO) không bị suy yếu và mất uy tín khi chủ tịch đảng này là ông Heinz-Christian Strache bất ngờ dính bê bối chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử. Bê bối này đã khiến ông Heinz-Christian Strache phải từ chức Phó Thủ tướng Áo, kéo theo việc tất cả các Bộ trưởng thuộc đảng cực hữu này trong chính phủ cũng phải từ chức. Đảng Tự do Áo cũng đã phải rời liên minh cầm quyền.

Về phía lực lượng ủng hộ một châu Âu hội nhập và đổi mới, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một thế lực mới tại châu Âu, cũng đang nỗ lực hình thành một liên minh mới với Liên minh Tự do và Dân chủ vì châu Âu (ALDE), nhóm chiếm số ghế nhiều thứ 4 trong Nghị viện châu Âu hiện tại.

Mục tiêu của LREM là hình thành liên minh mới đủ mạnh để phá vỡ vị thế độc tôn truyền thống tại Nghị viện châu Âu của nhóm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đồng thời tham vọng trở thành nòng cốt chính chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Trong khi đó, EPP là nhóm chính trị về cơ bản cũng có quan điểm ủng hộ một châu Âu hội nhập, chống chủ nghĩa dân túy. Theo các cuộc thăm dò dư luận ở nhiều nước, khả năng cao EPP sẽ tiếp tục giành được nhiều ghế nhất trong Nghị viện châu Âu khóa tới.

Một vấn đề khác đang nhận được sự quan tâm rất lớn, đó là việc lựa chọn ứng viên cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu khi ông Jean Claude Junker dự kiến sẽ hết nhiệm kỳ trong năm nay. Trong một Hội nghị Thượng đỉnh của EU đầu tháng 5/2019, các nước thành viên đã bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó có việc xác định nguyên tắc lựa chọn vị trí chủ tịch Ủy ban châu Âu. Tuy vậy, đây vẫn là một vấn đề mà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU còn nhiều bất đồng, đặc biệt là bất đồng giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, lãnh đạo hai quốc gia đầu tầu của EU.

Hiện tại, có nhiều nhân vật đang nổi lên là ứng viên tiềm năng cho vị trí chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ tới. Trước tiên phải kể đến ông Manfred Weber - thành viên Liên minh Xã hội – Thiên chúa giáo vùng Bavaria (Đức), chủ tịch nhóm EPP tại Nghị viện châu Âu. Ông Manfred Weber được lựa chọn làm người đứng đầu danh sách bầu cử năm 2019 của EPP với 79% số phiếu đồng thuận.

Ngoài ra, ông Manfred Weber còn là một trong những người thuộc thế hệ sau và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo các cuộc thăm dò dư luận, khả năng nhóm EPP sẽ tiếp tục về nhất trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, nếu không có nguyên tắc lựa chọn mới được thông qua, khả năng ông Manfred Weber trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu là rất cao. Ứng cử viên số 2 cho vị trí này là ông Frans Timmermans, thành viên Đảng Lao động Hà Lan, thành viên Nhóm Dân chủ - Xã hội, nhóm thứ 2 trong Nghị viện châu Âu sau EPP, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đương nhiệm.

Một ứng viên khác là ông Michel Barnier, thành viên đảng Những người Cộng hòa (LR) tại Pháp và cũng là thành viên EPP trong Nghị viện châu Âu. Ông Michel Barnier từng là ứng cử viên cho vị trí người đứng đầu EPP tại cuộc bầu cử châu Âu năm 2014 nhưng thất bại trước ông Jean-Claude Juncker – chủ tịch EC đương nhiệm. Hiện ông Barnier là trưởng đoàn đàm phán của EU với Anh trong vấn đề Brexit. Ông Barnier được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ và từ lâu đã được xác định là một trong những lãnh đạo tương lai của Ủy ban châu Âu.

Theo Huỳnh Điệp

VOV-Paris

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm