Bầu cử miền Đông Ukraine đào sâu mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây
Ngày 2/11, hai nhà nước tự xưng của Ukraine là Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk tổ chức tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử này được cho là có thể gây ra một đợt căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây và các bên đã có những phản ứng khác nhau trước sự kiện này.
Trong phản ứng mới nhất, các nhà lãnh đạo châu Âu đều không thừa nhận tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu này.
Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko tham gia vận động tranh cử (Ảnh AFP)
Người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các bên có những quan điểm khác nhau về cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine.
Theo Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, chỉ có một cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua phù hợp với hiến pháp của Ukraine. Theo đó, cuộc bỏ phiếu tại miền Đông sẽ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Đức và các nước châu Âu khác đều không công nhận cuộc bầu cử này.
Trong khi đó, Ukraine hối thúc Nga gia tăng áp lực lên lực lượng đối lập để không tổ chức các cuộc bầu cử đối đầu ở miền Đông đất nước. Tổng thống Ukraine Poroshenko cho rằng, các cuộc bỏ phiếu của phe đối lập sẽ làm tổn hại đến quá trình đàm phán hòa bình vốn đã rất yếu ớt.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo Moscow không nên công nhận cuộc bầu cử bắt đầu vào ngày 2/11 của lực lượng đối lập miền Đông Ukraine.
Theo ông, các cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Donetsk và Lugansk sẽ làm suy yếu những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.
“Hành động của Nga ở Ukraine là vi phạm luật pháp quốc tế. Niềm tin của NATO đối với Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hành động này của Nga đặt ra thách thức lớn đối với an ninh các nước khối NATO”, ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Moscow tôn trọng cam kết Minsk mà người Nga đã ký, giúp mở đường cho một giải pháp hòa bình ở Ukraine.
Ngày 1/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ không công nhận kết quả bầu cử của phe đối lập diễn ra vào ngày mai tại khu vực Cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.
“Chúng tôi quan ngại về cuộc bầu cử bất hợp pháp mà phe đối lập tại miền Đông Ukraine tổ chức vào ngày 2/11. Mỹ sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử này vi phạm tinh thần Thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 5/9 tại Minsk, trong đó kêu gọi các cuộc bầu cử ở khu vực miền Đông phải phù hợp với luật pháp Ukraine về tình trạng đặc biệt của khu vực này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia khác từ chối các nỗ lực bất hợp pháp và thay vào đó là cuộc bầu cử địa phương ngày 7/12 tới”, bà Psaki tuyên bố.
Tuy nhiên trái với lập trường của phương Tây, Nga tuyên bố sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi của lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 2/11 tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng sẽ rất quan trọng từ quan điểm hợp pháp hóa quyền lực. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những hướng quan trọng nhất của thỏa thuận Minsk. Chúng tôi hy vọng rằng việc bày tỏ nguyện vọng của cử tri sẽ được tiến hành tự do và sẽ không có ai từ bên ngoài cố gắng phá hoại".
Như vậy, với những quan điểm trái ngược giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc bầu cử tại khu vực miền Đông ở Ukraine thì điều này có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ của các bên vốn đã căng thẳng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trước đó, hôm 29/10, Liên minh châu Âu tuyên bố không loại trừ khả năng áp đặt gói trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp Moscow chính thức công nhận cuộc bầu cử ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng tại miền Đông Ukraine./.
Theo Vũ Anh Tuấn (tổng hợp)
VOV- Trung tâm Tin