1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bất ổn Trung Đông - Bắc Phi và cơn ác mộng giá dầu mỏ

(Dân trí) - Những diễn biến tại Trung Đông và Bắc Phi đang hậu thuẫn cho giá dầu, khi bất ổn ở khu vực chiếm hơn một nửa số thành viên của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ Thế giới (OPEC) này đang thổi bùng lo ngại về nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn.

 
Bất ổn Trung Đông - Bắc Phi và cơn ác mộng giá dầu mỏ - 1


Giá dầu “rối” từ khu vực “nóng”

Giá dầu mỏ đã vượt mốc 100 USD/thùng trong các phiên giao dịch liên tiếp những ngày qua. Các chuyên gia phân tích kinh tế khu vực cho rằng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang đẩy giá dầu lên cao. Từ hôm 1/2, giá dầu thô lên trên 100 USD một thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2008.

Giá dầu thô tăng lên tại các thị trường hàng hóa trong bối cảnh lo ngại về tình hình ở Trung Đông - làn sóng biểu tình đã lan từ Ai Cập đến Libya và Bahrain... Sau khi tổng thống các nước Tunisia và Ai Cập bị lật đổ, tình trạng bất ổn nay đang lan sang Libya, Bahrain, Yemen, Algeria, Jordan và Morocco. Theo các nhà phân tích, tồn tại nguy cơ chậm hợp đồng cung cấp dầu ở Trung Đông, khi các nước sản xuất dầu mỏ đang trở thành “điểm nóng”.

Những xáo trộn ngày càng tăng tại Ai Cập dường như châm ngòi cho những lo ngại đầu tiên về gián đoạn cung cấp dầu và đã làm giá dầu tăng cao vọt kể từ nhiều tuần qua. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do Ai Cập là nước sản xuất dầu mỏ lớn, hay tầm quan trọng của kênh đào Suez. Ai Cập không phải là quốc gia sản xuất dầu chính yếu - theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2010, Ai Cập sản xuất 740.000 thùng dầu một ngày, chiếm khoảng 0,8% sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, chỉ khoảng 1% lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua kênh đào Suez, một phần vì các tàu chở dầu loại lớn không thể đi qua kênh đào này.

Vấn đề nằm ở chỗ “hiệu ứng” từ một nước nằm trong khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng. Ông Tim Jenning, một nhà buôn dầu, nói bất cứ gián đoạn cung cấp dầu nào cũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới: “Tôi nghĩ sẽ là một nguy hiểm quan trọng trong giai đoạn ngắn hạn nếu vì một lý do nào đó có sự gián đoạn cung cấp dầu qua kênh Suez vì những tàu dầu không qua được kênh này. Mỹ xem kênh này là một giao điểm quan trọng về mặt phân phối, sản xuất và cung cấp dầu”.

Đúng như theo tạp chí The Economist nhận định, giá dầu tăng do các nhà sản xuất “giật mình” trước tin tức từ Ai Cập, nơi sản xuất dầu mỏ và có kênh Suez chảy qua. Nhưng mối lo ngại lớn nhất lại là những xáo trộn tại Ai Cập có thể lan sang các quốc gia sản xuất dầu tại vùng Vịnh. Ước tính Ảrập Xêút (nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới), Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sản xuất 15% sản lượng dầu toàn cầu trong năm 2010. Tân Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq tuyên bố nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2011, so với mức 2,6 triệu thùng/ngày hiện nay… Nhưng hầu ở hết những nước này đều đang không thoát khỏi “hiệu ứng sông Nile”.

Tình hình bất ổn hiện đang lan sang nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi: Các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra tại nhiều nơi ở Lybia trong "Ngày nổi giận" nhằm phản đối chính quyền của nhà lanh đạo Muamer Kadhafi, người đã cầm quyền hơn 40 năm qua; Tại Bahrain, đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình đòi thay đổi chế độ và thiết lập "một nền quân chủ lập hiến mới", làm hàng chục người thương vong; Tại Yemen, người biểu tình đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh cầm quyền ở nước này hơn 30 năm từ chức; Ở Jordan, các cuộc xuống đường kêu gọi cải cách, giảm nghèo đói và tăng cường nỗ lực chống tham nhũng đã xảy ra; Ở Iraq, những người biểu tình phản đối tình trạng thiếu các dịch vụ công cộng, tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả tăng.

Các chuyên gia đã nhận định rằng nếu những bất ổn tại Ai Cập kéo dài và lan rộng ra khu vực, thì giá dầu sẽ tăng mạnh lên trên 110 USD/thùng, thậm chí xa hơn là 200 USD/thùng nếu kênh đào Suez bị đóng cửa.

Cơn ác mộng với châu Á

Theo đánh giá của giới phân tích kinh tế Mỹ, tình hình mất ổn định chính trị hiện nay tại Trung Đông không những được coi là một khó khăn địa chính trị rất lớn đối với phương Tây, đặc biệt Mỹ, mà còn là “cơn ác mộng” đe dọa sự lệ thuộc nguồn dầu lửa ở Vùng Vịnh của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á.

Tất cả các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng ở châu Á đều lệ thuộc những phát triển ở Trung Đông. Trong khi đó, châu Á đang trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, nên nhu cầu và sự lệ thuộc ngày càng tăng nguồn dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông của châu Á đã góp phần đẩy giá dầu lửa thế giới tăng 25% từ tháng 9/2010 và tăng lạm phát toàn cầu.

Điều này đã được nhiều phân tích gia lấy làm bổ đề cho chứng minh bất ổn tại Ai Cập không phải là yếu tố duy nhất làm giá dầu tăng. Theo nhiều phân tích, yếu tố cơ bản làm giá dầu tăng từ giữa năm 2010 là tiêu dùng dầu của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã đẩy nhu cầu dầu tăng lên. Bên cạnh đó, lợi nhuận đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu lên. Tiền mặt dồi dào và lãi suất đặc biệt thấp, do các nước cố gắng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã làm tăng tính hấp dẫn của dầu mỏ đối với các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, giá dầu có thể tiếp tục tăng lên đến khoảng 110 USD/thùng cho đến khi tình hình tại khu vực Trung Đông ổn định trở lại, đặc biệt là khi tính đến các yếu tố khác như đồng USD suy yếu, nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên trong khi nguồn cung dầu trở nên hạn hẹp.

Nhưng cũng có nhận địnhcho rằng khả năng bất ổn chính trị lan ra các quốc gia Arập này là không cao: nguy cơ bất ổn chính trị nghiêm trọng ở Ảrập Xêút không quá nghiêm trọng vì dân chúng Arập Xêút giàu hơn nhiều so với người dân Ai Cập và nguồn thu từ dầu cũng giúp chính quyền nước này có sức mạnh để giải quyết các vấn đề như giá tiêu dùng tăng cao; mặc dù một số người biểu tình Lybia tỏ ra không hài lòng về tình trạng thất nghiệp và sự bất bình đẳng trong xã hội, song các hoạt động chống đối tương tự như ở Ai Cập và Tunisia khó có thể xảy ra tại Lybia do chính phủ nước này có thể sử dụng các nguồn thu từ dầu mỏ để giải quyết hầu hết các vấn đề xã hội… Tạp chí phân tích kinh tế uy tín của Anh The Economist dự báo giá dầu trung bình trong năm 2011 sẽ ở mức trên 90 USD/thùng.

Nguyễn Viết