Bất ngờ phát hiện kim tự tháp cổ tại Ucraina
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ Ucraina vừa khai quật di tích còn sót lại của một kim tự tháp cổ, vốn là biểu tượng và niềm tự hào của Ai Cập. Công trình kiến trúc này được đánh giá có tuổi thọ lâu đời hơn các kim tự tháp cổ nhất tại Ai Cập ít nhất 300 năm.
Công trình kiến trúc được tìm thấy ở thành phố Lugansk, thuộc miền đông Ucraina. Những nền móng bằng đá của công trình này rất giống với những kim tự tháp thờ thần của người Maya và Aztec ở Nam Mỹ.
Người ta cho rằng những những bộ tộc tôn thờ vật tổ và thờ thần mặt trời đã đặt nền móng cho công trình này vào khoảng 5.000 năm trước trong khoảng đầu Thời kỳ đồ đồng. Sự thật, đó là một khu liên hợp bao gồm những điện thờ, bệ thờ hiến tế thiết kế hình tháp trong khi hai bên sườn có các bước hình bậc thang.
Viktor Klochko, trưởng nhóm khai quật cho biết: “Đây là lâu đài đầu tiên của thời đại đó được tìm thấy ở Đông Âu. Công trình này đã làm thay đổi toàn bộ quan niệm của chúng ta về kiến trúc xã hội và trình độ phát triển của nông dân và những người chăn thả gia súc lúc đó - tổ tiên trực tiếp của người châu Âu hiện đại”.
| |
Kim tự tháp cổ đang được các nhà khảo cổ khai quật
|
Được biết, hiện nay có khoảng 100 kim tự tháp tại Ai Cập và phần còn sót lại của các kim tự tháp thuộc văn minh Lưỡng Hà hiện đang được bảo tồn tại Iraq và Iran. Ngoài ra còn có các kim tự tháp thờ thần của người Maya tại Mexico và những kim tự tháp của người Nubia tại thung lũng sông Nile. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc hình kim tự tháp lại rất hiếm ở châu Âu. Một trong số ít những kim tự tháp của thời đại La Mã cũng đã được tìm thấy ở gần thành phố Nice, Pháp.
Các nhà khảo cổ học cho rằng công trình kiến trúc cổ được tìm thấy ở khu vực Lugansk này là nơi dùng để hiến tế chứ không phải phục vụ cho mục đích chôn cất.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các phần còn sót lại của các vật được hiến tế, tro hỏa táng và đồ gốm, tuy nhiên không có vết tích của châu báu hay các đồ trang sức.
Hải Ninh
Theo Mosnews