1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc:

Bắt giữ con rể cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương

Ngày 3/6/2015, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hongkong của Công ty Vương quốc số hóa (Số tự vương quốc) đột nhiên bị mất tới 40%.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Đới Tương Long
 
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Đới Tương Long

Chỉ trong một ngày, giá trị cổ phiếu của Vương quốc số hóa bị bốc hơi 8,7 tỷ HKD (1HKD= 0,129 USD). Sự kiện này gây xôn xao trong cả giới chính trị, kinh doanh lẫn giải trí bởi không ít người trong các giới này là cổ đông của công ty. 
 
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là một ngày trước đó (2/6), Xa Phong - con rể của Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Đới Tương Long - đột nhiên bị bắt để điều tra.

Ông Đới Tương Long có vị trí đặc biệt trong giới tài chính, tiền tệ, đã giữ các chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (1995 – 2002), Thị trưởng (Chủ tịch UBND) thành phố Thiên Tân (2002 – 2007) và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Quỹ An sinh Xã hội (2008 – 2013). Ông Đới hiện là Phó Chủ tịch Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc và là giảng viên Trường Đại học Nam Khai, Thiên Tân.

Có tin Cơ quan Kiểm tra kỷ luật đảng của Trung Quốc đã bắt đầu điều tra vấn đề tài chính của gia đình ông Đới Tương Long từ mấy tháng trước nên Xa Phong lánh mặt bằng cách thường xuyên ở Hongkong.
 
Ngày 31/5, ông ta bay từ Hongkong về Bắc Kinh, ngày 2/6 mở tiệc bàn công chuyện với hơn 10 người bạn làm ăn thân thiết. Khi mọi người đang nâng chén chúc tụng nhau thì tổ chuyên án xuất hiện, cả Xa Phong lẫn hơn 10 người có mặt đều bị bắt.
 
Theo tạp chí Tài Tân của Trung Quốc, Xa Phong nắm giữ số cổ phiếu trị giá khoảng 6,1 tỷ HKD của Vương quốc số hóa, mà Vương quốc số hóa chỉ là phần nổi của tảng băng trong số tiền vốn khổng lồ do Xa Phong điều hành trên thị trường Đại lục và Hongkong.
Từ người buôn quần bò trở thành đại gia

Xa Phong là người có vóc dáng của một lực sĩ với thân hình cao to, quê Hợp Phì (An Huy), năm nay 45 tuổi. Vợ là Đới Dung, con gái ông Đới Tương Long, hiện thường xuyên cư trú ở Hongkong. Các thông tin công khai về ông ta rất ít, nhưng là người rất nổi tiếng trong giới đầu tư chứng khoán ở cả Đại lục và Hongkong.

Hơn 10 năm trước, Xa Phong còn là người dân bình thường sống bằng nghề buôn quần bò ở Thượng Hải, thế mà hiện nay đã có trong tay khối tài sản hơn 100 tỷ HKD, có 2 chiếc chuyên cơ riêng loại hiện đại nhất BD700 của hãng Bombardier (Canada).

Số tài sản khổng lồ đó ở đâu mà ra? Báo chí Trung Quốc và Hongkong cho biết tất cả là nhờ vào danh phận “phò mã” của “Vua ngân hàng” Đới Tương Long.

Là con út trong gia đình có 3 anh em trai, bố là quân nhân xuất ngũ, những năm 1990, Xa Phong làm nghề buôn bán địa ốc ở Hải Nam và Thượng Hải, từng là Phó Tổng Giám đốc Công ty Hải Hoàn và Chủ tịch Công ty Hằng Nghiệp (Hải Nam), Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Thiên Kiến (Thượng Hải), nhưng các công ty này đều làm ăn thua lỗ.
 
Năm 2001 khi công ty bên bờ vực phá sản, Xa Phong phải vay bạn bè ở Hải Nam 3 triệu tệ (Nhân dân tệ) mới tai qua nạn khỏi. Năm 2004, Xa Phong vay ngân hàng 200 triệu tệ mua một mảnh đất ở Khu khai phát Lục Gia Chủy (Thượng Hải), xây một tòa nhà văn phòng 34 tầng rồi đem bán cho một quỹ hải ngoại, kiếm 1,5 triệu USD tiền lãi.
Nhưng Xa Phong thực sự phất lên khi lao vào đầu tư cổ phiếu theo mẹ vợ, bà Kha Dụng Trân. Cách làm của Xa Phong là vay tiền ngân hàng, thu gom cổ phiếu của các công ty trước khi niêm yết rồi lợi dụng hoạt động phi pháp thao túng thị trường chứng khoán để kiếm lợi. Có tin riêng vụ kinh doanh cổ phiếu của Công ty Hải Thông, Xa Phong chẳng mất đồng vốn nào, chỉ nhờ “mượn đầu heo nấu cháo” mà đã kiếm được tới 40 tỷ tệ.
 
Bị nghi phạm nhiều tội cả về kinh tế lẫn chính trị
Về những vi phạm của Xa Phong, những thông tin mới nhất cho thấy vụ án rất phức tạp, diện liên quan rộng, chủ yếu trên ba mặt:
 
Thứ nhất, Xa Phong bị nghi ngờ thông qua các con đường đặc biệt ở Hongkong và nước ngoài để rửa tiền cho một số quan chức cao cấp trong giới tài chính, ngân hàng Trung Quốc, chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài số lượng đặc biệt lớn, tới hàng trăm tỷ tệ.
 
Thứ hai, có liên quan đến hoạt động phạm pháp của một số nhân vật như thương gia nổi tiếng Quách Văn Quý – người đứng đầu Công ty Đầu tư Bàn Cổ Bắc Kinh (đã chạy trốn sang Mỹ) và hứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Mã Kiện (đã bị cách chức), và việc thành lập mạng lưới quan hệ thương mại – chính trị mang tên “Bàn Cổ hội”.
Thứ ba là bị nghi ngờ làm gián điệp, cung cấp những thông tin nội bộ tuyệt mật cho cho cơ quan tình báo phương Tây.
 
Tính đến nay đã có gần 100 người liên quan đến Xa Phong bị tổ chuyên án tạm giữ để điều tra, trong số này có những người bạn làm ăn kinh doanh với Xa Phong, có các quan chức trong hệ thống ngân hàng và có cả quan chức trong ngành An ninh quốc gia (Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Mã Kiện đã bị mất chức và bị điều tra từ tháng 1/2015).
Sau khi Xa Phong bị bắt, tờ “Thời báo chứng khoán” Trung Quốc cho biết, Xa Phong có một khách sạn siêu hào hoa mang tên Tứ Quý ở Hongkong, là nơi lui tới để “tránh gió” của rất nhiều quan chức và thương gia nổi tiếng Trung Quốc, nhưng sau khi ông ta bị điều tra thì số khách này cũng biến mất.
 
Họ đã tìm cách chuồn ra nước ngoài để ngóng xem vụ việc sẽ đi đến đâu, trong số này có Tiêu Kiến Hoa, ông chủ Tập đoàn Công ty Minh Thiên Hệ, người thao túng vốn của nhiều công ty trên toàn quốc – đã chạy trốn sang Pháp./.
Theo Thu Thủy (tổng hợp)
Pháp luật Việt Nam