1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Mỹ - Cộng hòa Czech:

Bất đồng vì cuộc khủng hoảng Ukraine

Những rắc rối, tranh cãi mới đây giữa Tổng thống CH Czech Milos Zeman và Đại sứ Mỹ Andrew Schapiro tại Czech cho thấy giữa Mỹ và một số đồng minh Châu Âu đang có những bất đồng liên quan tới việc tiếp tục cô lập Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Mỹ - CH Czech rơi vào bất đồng
Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Mỹ - CH Czech rơi vào bất đồng

Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít (9-5), Nga có gửi lời mời tới nhiều lãnh đạo các nước phương Tây. Thế nhưng, vì những bất đồng liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và đặc biệt trong vùng ảnh hưởng của Mỹ nên nhiều lãnh đạo Châu Âu đã từ chối đến Nga dự lễ kỷ niệm.
 
Dẫu vậy, không phải đồng minh nào của Washington cũng từ chối lời mời của Mátxcơva. Tổng thống CH Czech M.Zeman tuyên bố vẫn sẽ đến Mátxcơva. Nhân sự kiện này, Đại sứ Mỹ Andrew Schapiro tại Czech đã lên tiếng rằng, sự hiện diện của Tổng thống M.Zeman tại Mátxcơva sẽ làm chệch hướng quan điểm của phương Tây đối với Nga trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi tình hình miền Đông Ukraine vẫn có nhiều nguy cơ tái bùng phát xung đột.
 
Tổng thống M.Zeman đã gọi điện cho Đại sứ A.Schapiro - người đại diện cho nước Mỹ tại nước sở tại - để không chỉ bày tỏ sự không hài lòng về những phát biểu của vị Đại sứ về kế hoạch của ông tới Mátxcơva dự lễ kỷ niệm ngày chiến thắng, mà còn "cấm cửa" ông A.Schapiro tới cung điện Praha.
 
Cuộc khủng hoảng Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông - Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Kiev cùng Washington và phương Tây đã không ngớt chỉ trích Mátxcơva về những bất ổn ở quốc gia Đông Âu này. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc, các quốc gia Châu Âu cùng đồng minh Bắc Mỹ vẫn đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào điện Kremlin. Nhiều trong số này là những biện pháp đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngành then chốt như: Ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
 
Nga cũng đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào Mátxcơva. Cùng với "cuộc chiến" trên mặt trận kinh tế, Mỹ và đồng minh Châu Âu còn tìm cách bao vây và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự.
 
Tuy nhiên, trong khi các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) lên tiếng chỉ trích Nga về khủng hoảng Ukraine, thì Czech lại cho rằng, tình hình Ukraine đơn thuần là một cuộc nội chiến, và Praha cũng không mặn mà trước các nỗ lực gia tăng sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Baltic vì cho rằng như vậy là "chọc giận" Nga.
 
Tổng thống M.Zeman cũng đã không ít lần tỏ ra độc lập trong EU về cuộc khủng hoảng Ukraine; đồng thời chỉ trích các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Ngoại trưởng Czech Lubomir Zaoralek cũng từng mong muốn Châu Âu cần phải chú ý nhiều hơn, giúp đỡ thiết thực cho Ukraine để nước này không rơi vào cảnh sụp đổ thay vì tích cực tìm kiếm các lệnh trừng phạt xứ Bạch dương.

Trong khi đó, phản ứng trước hành động của Đại sứ Mỹ A.Schapiro, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Alexei Pushkov cho rằng, mâu thuẫn giữa Tổng thống Czech M.Zeman và Đại sứ Mỹ A.Shapiro chính là biểu hiện của sự thất bại trong kế hoạch cô lập Mátxcơva của Washington trước thềm lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít (9-5).

Sự cố ngoại giao giữa Mỹ và Czech vừa xảy ra cho thấy cuộc bao vây, cô lập Mátxcơva của Washington và đồng minh không hoàn toàn có được đồng thuận. Một số đồng minh của Mỹ tại Cựu lục địa vẫn lựa chọn Nga như một vùng lợi ích lâu dài.
 
Rõ ràng, không chỉ với Czech, một lựa chọn "đơn cực" - giữa một bên là với Mỹ và một bên với Nga - là không thể trong bối cảnh toàn cầu hóa. Quan hệ hữu hảo với các nước, đặc biệt là các cường quốc đều đưa lại những lợi ích không thể tính đến là điều không nghi ngờ; nhưng chỉ nghiêng về một bên và tuyệt giao với bên khác chưa bao giờ là sự lựa chọn khôn ngoan trong lịch sử bang giao thế giới.
 
Thế nên, "cuộc chiến" bao vây, cô lập Nga của Mỹ và đồng minh xem ra không hoàn toàn dễ dàng. Và, cho dù kết cục có thế nào đi nữa thì khi "trò chơi" kết thúc, Ukraine vẫn là bên thiệt thòi nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, hàng nghìn người của quốc gia bên Biển Đen này đã thiệt mạng, gia đình ly tán cùng một nguy cơ chia rẽ không thể sớm hàn gắn.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới