1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bất an vì khủng bố, người Do Thái tại Pháp tính chuyện hồi hương

(Dân trí) - Bất an trước các vụ hãm hiếp, tấn công khủng bố nhắm vào cộng đồng mình, hàng nghìn người Do Thái tại Pháp đang ra đi, sau khi vụ khủng bố, bắt cóc con tin vừa qua khiến tình hình càng thêm bất ổn.

Bất an vì khủng bố, người Do Thái tại Pháp tính chuyện hồi hương
Cả 2 nạn nhân bị bắn chết trong vụ bắt cóc con tin tại Paris do Coulibaly  thực hiện đều là người Do Thái  (Ảnh: Daily Mail)

Trước khi nghi phạm khủng bố Amedy Coulibaly thực hiện vụ tấn công vào quầy tạp hóa, bắt cóc con tin tại đông Paris cuối tuần qua, người Do Thái tại Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công mang màu sắc phân biệt sắc tộc. Một trong những vụ việc gây xôn xao đó là một phụ nữ đã bị hãm hiếp dã man chỉ vì có bạn trai là người Do Thái.

“Nếu tôi mới chỉ 30 tuổi, tôi sẽ rời Pháp” và sang Israel, Laurent S., một cư dân Do Thái nói. “Tôi không hành lễ cũng không phải một tín đồ thực sự, những tôi có cảm giác rằng với một số người tôi vẫn là “một kẻ Do Thái”, đặc biệt sau các vụ tấn công mới nhất”, công dân Do Thái gốc Ba Lan ngoài 50 tuổi này bày tỏ.

4 người đã thiệt mạng hôm thứ Sáu vừa qua tại một siêu thị của người Do Thái tại đông Paris, khi Amedy Coulibaly xông vào cửa hàng và bắt cóc những người có mặt tại đây làm con tin. Cả 4 nạn nhân đều là người Do Thái.

Vụ tấn công xảy ra chỉ 2 ngày sau khi anh em nghi phạm Kouachi thảm sát 12 người tại tạp chí châm biếm Charlie Hebdo.

Vụ bạo lực đẫm máu nhất tại Pháp nêu trên chỉ khiến cộng đồng người Do Thái, với dân số 500.000 - 600.000 người thêm chấn động, sau khi đã luôn sống với những lo âu. Đồng thời, nó cũng gợi lại ký ức các vụ tấn công tháng 3/2012 tại Toulouse - khi kẻ Hồi giáo cực đoan Mohamed Merah bắn chết 3 trẻ em và một giáo viên tại một trường Do Thái.

Một nhà quản lý siêu thị tại phía Bắc Paris, người từ chối tiết lộ danh tính, cho biết bà luôn sống trong sợ hãi, bởi số vụ tấn công và đe dọa sắc tộc đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2013 - 2014.

“Do chúng ta đã có Internet, những lời sỉ nhục luôn trút xuống chúng tôi như mưa, còn sự thù ghét ở khắp nơi”, nhà quản lý nói.

Không ít người Do Thái đã chọn cách đơn giản là rời bỏ nước Pháp. Trong năm 2014, khoảng 7000 người đã rời Pháp để sang Israel, cao gấp đôi so với năm 2013.

Sau vụ tấn công hôm thứ Sáu, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hối thúc thêm người Do Thái ra đi. “Những người Do Thái tại Pháp và người Do Thái tại châu Âu, tôi muốn nói với các bạn rằng Israel không chỉ là nơi các bạn hướng về khi cầu nguyện, nhà nước Israel chính là nhà của các bạn”, ông Netanyahu khẳng định hôm 10/1.

Trước những diễn biến trên, để trấn an dư luận, thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố: “Nếu 100.000 người Pháp gốc Tây Ban Nha rời đi, tôi sẽ không bao giờ nói rằng nước Pháp không con là nước Pháp. Nhưng nếu 100.000 người Do Thái rời đi, Pháp sẽ không còn là nước Pháp. Cộng hòa Pháp khi đó sẽ bị xem là một sự thất bại”.

Thanh Tùng
Theo AFP