Báo Trung Quốc “sôi sục” vì tình trạng ô nhiễm
(Dân trí) - Sự tức giận đã tăng cao vào hôm nay 14/1 khi tình trạng ô nhiễm tăng ở Trung Quốc ở mức nguy hiểm, với báo chí nhà nước chất vấn về tốc độ phát triển quá nóng cùng sự minh bạch của chính phủ đối với chất lượng không khí ở nước này.
Báo chí nhà nước Trung Quốc đã gia nhập cộng đồng mạng kêu gọi đánh giá lại tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc, tiến trình đã chứng kiến tốc độ phát triển đô thị cùng phát triển kinh tế nhanh tới chóng mặt và kết quả môi trường đã phải trả giá.
Sương khói dày đặc đã bao phủ nhiều khu vực rộng lớn ở miền bắc Trung Quốc vào cuối tuần qua, khiến tầm nhìn giảm xuống còn 100m ở một số khu vực và buộc các chuyến bay phải hủy bỏ. Theo các tờ báo, hàng chục khu vực xây dựng và một nhà máy xe hơi ở thủ đô đã ngưng hoạt động để phản đối ô nhiễm.
Giới chức Bắc Kinh cho biết chỉ số PM2.5, các phân tử nhỏ có thể thâm nhập sâu vào phổi, đã tăng lên mức 993 micrograms/m3 vào thời điểm “cao điểm” ô nhiễm, tức cao gần gấp 40 lần so với giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong một bài xã luận vào ngày hôm nay, tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước kêu gọi công bố các con số minh bạch hơn đối với tình trạng ô nhiễm; kêu gọi Bắc Kinh thay đổi “cách thức che giấu vấn đề trước đây và thay vào đó là công bố sự thật”.
Con số PM2.5 chính thức chỉ được theo dõi ở các thành phố lớn của Trung Quốc kể từ đầu năm ngoái.
Tờ báo cũng cho đăng tải bài viết về sự khác nhau giữa con số đo chất lượng không khí giữa giới chức Trung Quốc và sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. “Lực chọn giữa phát triển và bảo vệ môi trường phải được thực hiện theo các cách thức hoàn toàn dân chủ”, tờ báo cho hay.
“Vấn đề môi trường không nên bị đánh đồng với vấn đề chính trj”.
Trong khi đó, bài xã luận trên tờ China Daily (Nhân dân Nhật báo) đổ lỗi tình trạng ô nhiễm là do việc xây dựng quá nóng ở các thành phố. “Tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc chưa kết thúc”, tờ báo cho biết. “Ở giữa sự phát triển đô thị hóa chóng mặt này, Trung Quốc cần phải nghĩ tới tiến trình làm thế nào mà không phải thỏa hiệp giữa chất lượng của cuộc sống thành thị với môi trường sống ngày càng xấu đi nghiêm trọng”, tờ báo cho hay.
Nhân dân Nhật báo cũng kêu gọi 5 triệu người sở hữu xe ở Bắc Kinh và giới chức chính phủ sử dụng xe công nghĩ lại về thói quen lái xe của họ, trong khi cũng kêu gọi chính phủ đối phó với “ô nhiễm từ các ngành công nghiệp”.
Mức ô nhiễm của sương khói đã giảm vào hôm nay tại thủ đô, với chỉ số PM2.5 là 400 tại trung tâm Bắc Kinh. Song cuộc khủng hoảng vẫn là chủ đề bàn luận sôi nổi trên các mạng xã hội như Sina Weibo, phiên bản Twitter nổi tiếng ở Trung Quốc.
“Tình trạng ô nhiễm đang làm tôi phát bực”, một cư dận mạng cho biết khi đăng tải bức ảnh cô đeo khẩu trang.
Phan Anh
Theo AFP