1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Trung Quốc đồng loạt dự báo tương lai Biển Đông

Cục diện của Biển Đông vô cùng phức tạp, không chỉ có những nước trong khu vực mà Mỹ, Nhật liên tục có hoạt động ở Biển Đông.

Tờ Vượng Báo của Đài Loan ngày 10/2 bình luận, cục diện Biển Đông hiện nay vô cùng phức tạp bởi mỗi bên liên quan đều có những tính toán riêng của mình, không chỉ các bên có yêu sách trực tiếp mà ngay cả Mỹ và Nhật Bản cũng lần lượt đóng vai trò người bảo hộ tích cực và hợp tác mang tính xây dựng.

Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ mới đây bày tỏ hoan nghênh Nhật Bản sẽ tuần tra bầu trời Biển Đông, ngay sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Do đó hoạt động tuần tra cảnh giới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không giới hạn phạm vi, khi cần thiết sẽ điều lực lượng tham gia các sự vụ ở Biển Đông, Vượng Báo lý giải.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani

Ngoài Mỹ và Nhật Bản liên tục có hoạt động ở Biển Đông, gần đây Philippines cũng lần đầu tiên công khai yêu cầu ASEAN bày tỏ rõ lập trường phản đối Trung Quốc xây dựng, cải tạo bất hợp pháp đá thành đảo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Manila cũng cảnh báo, hành vi của Bắc Kinh sẽ uy hiếp trực tiếp Đông Nam Á.

Vượng Báo nhấn mạnh, Philippines đã nỗ lực phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ sau Mỹ và Nhật Bản để đoàn kết các nước nhỏ ở Biển Đông lại với nhau. So với các nỗ lực của Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam thì Malaysia tỏ ra khá trầm lặng, Vượng Báo bình luận.

Tuy nhiên trong năm 2014 Malaysia cũng đã tích cực tham dự các hội nghị về Biển Đông, đồng thời còn cho thấy sẽ mở rộng thực lực quân sự và ngoại giao chiến lược trên hướng Biển Đông.

Lực lượng tàu ngầm ở Biển Đông

Trong khi đó, trang Sina (Trung Quốc) lại đưa ra nhận xét về tương quan lực lượng tàu ngầm giữa các quốc gia trên Biển Đông.

Sina cho biết, Trung Quốc đã phát triển tàu ngầm từ những năm 1950 và hiện đang sở hữu trên 60 tàu ngầm – đứng thứ ba trên thế giới về số lượng – trong đó có 4 lớp tàu ngầm hạt nhân và 7 lớp tàu ngầm thông thường.

Theo công bố, riêng Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc đã triển khai 16 tàu ngầm thông thường và 3 tàu ngầm hạt nhân – 3 tàu ngầm hạt nhân Type 094, 8 tàu ngầm thông thường Type 035, 4 chiếc Type 039 và 4 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo do Nga chế tạo.

Con số thực tế có thể còn cao hơn. Theo một số hình ảnh rò rỉ gần đây được chụp tại căn cứ Hải quân Trung Quốc, đã xuất hiện thêm một chiếc tàu ngầm khác – nhiều khả năng là Type 093 – bên cạnh ba tàu ngầm Type 094.
 
Tàu ngầm Trung Quốc

Tàu ngầm Trung Quốc

Theo báo cáo của Sina, Trung Quốc là nước duy nhất tại khu vực Biển Đông triển khai tàu ngầm hạt nhân.

Ngoài ra, tất cả các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm JL-2 – có tầm bắn lên tới 8.000 km và có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tàu ngầm thông thường của Trung Quốc phần lớn là mang tên lửa và ngư lôi. Theo Sina đây là lợi thế rõ rệt cho Hải quân nước này so với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được các nước quanh khu vực Biển Đông xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình.

Lý do - theo Sina, là bởi vì tàu ngầm mang tính “bí mật” và có độ nguy hiểm “chết người” nhờ khả năng sử dụng nước như một vỏ bọc và có thể liên tục nâng cấp lên vũ khí hiện đại nhất.

Ngoài ra, các nước đều cho rằng các đảo trên Biển Đông đều “dễ thủ, khó công”, do đó lực lượng tàu ngầm, dù chỉ với số lượng nhỏ, vẫn mang lại hiệu quả cao và được các nước ưa chuộng.

Tóm lại, mặc dù nắm vị thế số một trong khu vực hiện nay về số lượng tàu ngầm, Trung Quốc vẫn không thể tự do làm theo ý họ trên Biển Đông – báo cáo cho biết.

Mỹ kiên trì nhắc nhở hành xử của TQ tại Biển Đông

Khả năng chống ngầm của Hải quân Trung Quốc bị hạn chế. Hải quân Trung Quốc hiện có hơn 10 trực thăng chống ngầm.

Tuy nhiên, trực thăng chống ngầm có phạm vi hoạt động hạn chế, nên Hải quân Trung Quốc khó có thể mở rộng phạm vi kiểm soát trong thời gian ngắn.

Với việc các nước láng giềng tiếp tục củng cố hạm đội tàu ngầm, khả năng Trung Quốc có thể áp đặt ý đồ của mình trong tranh chấp trên Biển Đông sẽ càng thêm khó khăn - Sina thừa nhận.

Mỹ: Biển Đông - Điểm nóng 2015
 
Theo Hội đồng các mối quan hệ nước ngoài (CFR) của Mỹ tại Washington, tranh chấp hàng hải trên Biển Đông là 1 trong 10 cuộc giao tranh mà Mỹ ưu tiên ngăn chặn trong năm 2015.
 
Trong khi đó, Trung tâm Hành động ngăn chặn thuộc CFR đã nâng từ mức thấp lên trung bình trong thang độ khả năng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông leo thang thành xung đột.
 
CFR cho rằng hiệp ước quốc phòng giữa Washington và Manila có thể dẫn tới một cuộc chiến giữa Trung Quốc – Philippines liên quan tới hoạt động khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong hoặc các ngư trường tại bãi cạn Scarborough.
 
Chính việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đông Nam Á không thể giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thông qua con đường ngoại giao, rất có thể làm mất đi giá trị của các quy định quốc tế trong việc kiểm soát tranh chấp hàng hải và tạo ra cuộc đua vũ trang bất ổn trong khu vực, CFR nhận định.
 
Hãng tin Bloomberg ngày 17/12 cũng đưa ra các dự báo điểm nóng trên thế giới năm 2015, từ đụng độ hải quân giữa Trung Quốc và láng giềng quanh chủ quyền các quần đảo tranh chấp đến căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, Đông Âu, Trung Đông...
 
Theo Bloomberg, những điểm nóng tiềm tàng ở châu Á có thể là bùng nổ sự đối đầu giữa hải quân Trung Quốc với ngư dân trên Biển Đông, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ trên khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Sự leo thang đụng độ này sẽ lôi kéo các đồng minh vào, và châm ngòi cho căng thẳng về chủ nghĩa dân tộc.
 
Không có nơi nào trên thế giới đang có nguy cơ đối đầu giữa các nước như ở các vùng biển quanh Trung Quốc, nơi có các tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới.
 
Theo Tuyết Minh (tổng hợp)
Đất Việt