1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Pháp: Lãnh đạo Pháp-Đức cố giành chủ động từ Mỹ trong vấn đề Ukraine

(Dân trí) - Tuần báo Pháp L’Obs nhận định chuyến thăm Nga và Ukraine đầy vội vã của lãnh đạo hai nước Pháp, Đức là nhằm giành thế chủ động từ Mỹ, đón đầu khả năng Washington viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev.

Thủ 

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Kiev ngày 5/2. (Ảnh: AFP)

Hãng tin Itar-Tass ngày 6/2 dẫn một bài viết trên tuần báo L’Obs, cho rằng giải pháp hòa bình Pháp-Đức là một nỗ lực để tránh bị cuốn theo các phương án của Mỹ, khi nước này ngày càng thiên về viện trợ vũ khí cho chính phủ Ukraine. 

Giải pháp cho cuộc xung đột ở đông Ukraine trên được Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất và được 2 vị lãnh đạo này bàn thảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 6/2.

“Giải pháp này là một bước tiến lịch sử”, Vincent Jauvert, nhà bình luận của L’Obs nhận định, “Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức sẽ đến Kiev và Mátxcơva nhằm thông qua các biện pháp ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhưng tại sao lại là bây giờ, khi cuộc chiến đã kéo dài hàng tháng?”

Theo các nguồn tin ngoại giao cấp cao gần gũi với Tổng thống Hollande, bước đi này nhằm giành thế chủ động từ Mỹ sau khi nước này đang tiến rất gần đến quyết định cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine.

Itar-Tass dẫn bài viết của L’Obs khẳng định: “Washington đã ở thế chủ động sau khi một số động thái ngoại giao được châu Âu, cụ thể là Pháp-Đức, đưa ra thất bại. Paris và Berlin không muốn mạo hiểm với giải pháp cứng rắn của Mỹ và cố gắng giành lại chủ động từ chính quyền Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Theo bài viết, nhiều khả năng giải pháp hòa bình Pháp-Đức bao gồm những nội dung cơ bản của Hiệp định Minsk được ký kết vào tháng 9 năm ngoái nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Hiệp định này bao gồm ngừng bắn trong vòng 15 ngày, rút các vũ khí hạng nặng, trao đổi tù binh và giao cho Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) kiểm soát biên giới.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov được cho là sẽ có một cuộc gặp song phương tại Munich, Đức vào ngày 7/2. Nhiều khả năng trọng tâm của cuộc gặp sẽ xoay quanh khủng hoảng Ukraine, bên cạnh những vấn đề song phương khác.

Thoa Phạm
Theo Itar-Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm