Báo Nga: “Đội tàu sân bay Trung Quốc chỉ hiệu quả trước đối thủ yếu”
(Dân trí) - Với những động thái trong thời gian qua, hải quân Trung Quốc dường như đang hướng tới mục tiêu hoạch định sức mạnh ra khơi xa. Dù vậy, lực lượng tàu sân bay hiện tại của họ chỉ chiến đấu hiệu quả trước những nước có hải quân yếu, một tờ báo Nga khẳng định.
Thông tin được tờ Military-Industrial Courier có trụ sở tại Mátxcơva đăng tải hôm 5/8. Theo đó, tờ báo này nhận định việc hoạch định sức mạnh là hầu như không thể thực hiện nếu một nước không sở hữu mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài hoặc những tàu sân bay như Mỹ hiện có.
Trong tương lai gần, Trung Quốc khó có được năng lực này, nhưng Bắc Kinh đang tích cực phát triển lực lượng tàu sân bay cũng như nghiên cứu cách sử dụng chúng trong một trận chiến.
Để đánh giá năng lực tham gia các nhiệm vụ tiêu chuẩn của một hạm đội tàu sân bay, tờ báo Nga đã phân tích năng lực của tàu sân bay duy nhất hiện trong biên chế của hải quân Trung Quốc, cũng như các chiến hạm khác có thể được điều động để hình thành một nhóm tàu sân bay tác chiến.
Sau khi mua lại từ Ukraine chiếc tàu sân bay lớp Kuznetsov, được sản xuất từ thời Liên Xô cũ, Trung Quốc đã đại tu chiếc tàu bằng việc sử dụng nhiều công nghệ tự phát triển trong nước, bao gồm hệ thống điện tử, vũ khí, hệ thống áp chế phòng không và hệ thống điện.
Đến nay, hệ thống do thám chính của Liêu Ninh là một radar quét mạng pha điện tử chủ động, tương tự như hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ, các chuyên gia nước ngoài nhận định. Hệ thống áp chế phòng không của tàu sân bay này gồm 4 hệ thống vũ khí cận chiến Type 1130 và 4 hệ thống phòng không FL-3000N (với khả năng bắn 72 tên lửa).
Hệ thống dẫn đường của FL-3000N là sự kết hợp của hệ thống dẫn đường tần số radio bị động và quét hình ảnh hồng ngoại (ImIR), tương đối giống hệ thống tên lửa RAM (Rolling Airframe Missile) của Mỹ. Tuy vậy, một điểm yếu của hệ thống này đó là dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Trong điều kiện thuận lợi, FL-3000N có khả năng phá hủy 4-5 tên lửa chống hạm của đối phương trong tầm bắn. Tuy vậy, nếu đối phương sử dụng các biện pháp gây nhiễu điện tử, năng lực phòng không của Liêu Ninh sẽ giảm từ 30% - 70%, khiến nó chỉ có thể đánh chặn 1-3 tên lửa đối phương.
Liêu Ninh có thể chứa khoảng 60 chiến đấu cơ, bao gồm 40 chiếc chiến đấu cơ đa nhiệm chuyên dụng cho tàu sân bay “Cá mập bay” J-15, và khoảng 20 trực thăng. J-15 được thiết kế dựa trên mẫu T-10K mà Ukraine bán cho Trung Quốc, trong khi trực thăng được sử dụng trên Liêu Ninh giống với mẫu trực thăng săn tàu ngầm Kamov Ka-27 của Nga.
Số lượng chiến đấu cơ có thể đồng thời cất cánh từ boong của Liêu Ninh khoảng 16 chiếc, tương tự như tàu sân bay đô đốc Kuznetsov.
Khi được triển khai một mình, Liêu Ninh có thể bao quát phạm vi 500 – 600km theo hướng có mục tiêu, và khoảng 200 – 300km ở các hướng khác. Dưới mặt nước, tàu có thể theo dõi trong phạm vi 60 – 80km theo hướng có mối đe dọa cụ thể.
Đối với các mục tiêu tầm cao, tàu có thể theo dõi từ cự ly 500 – 600km, trong khi cự ly theo dõi tầm cao ở các hướng còn lại khoảng 300 – 400km. Ở tầm thấp, tàu có thể theo dõi trong cự ly 200 – 250km theo hướng có mối đe dọa cụ thể, và từ 80 – 100km ở các hướng còn lại.
Trong tình huống tác chiến, Liêu Ninh có thể phá hủy từ 3 – 5 hạm đội hải quân nhỏ mỗi ngày, bao gồm cả hạm đội tàu tên lửa đạn đạo. Việc thiếu một hệ thống bắt mục tiêu trên bộ hiệu quả khiến các chiến đấu cơ trên tàu sân bay này chỉ có thể tấn công hiệu quả 3 – 4 mục tiêu, hoặc nhiều nhất là từ 8 – 10 mục tiêu.
Điều này cho thấy, hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc “chỉ có thể chiến đấu hiệu quả trước một đối thủ có hải quân yếu”, tờ báo Nga chốt lại.
Thanh Tùng
Theo WCT