1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Mỹ phân tích về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Sau Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát, báo chí Mỹ đã có nhiều bài viết dự đoán về tác động của vụ việc này đối với quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời điểm “tệ hại”

Bài viết trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor cho rằng, vụ ám sát đó diễn ra vào một thời điểm tệ hại khi Moscow và Ankara vừa mới khôi phục quan hệ ngoại giao sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Nga hồi tháng 11/2015. Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng, vụ ám sát này mặc dù sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai nước, song không thể đẩy hai bên tới chỗ tuyệt giao nhau.

Moscow sẽ phải dựa nhiều vào Ankara để được chia sẻ thông tin tình báo và sẽ đòi quyền tự chủ nhiều hơn trong việc bảo vệ những tài sản của mình (ở Syria). Cả hai bên đều không muốn làm thụt lùi những tiến bộ kinh tế và ngoại giao đã đạt được trong năm qua. Giờ đây, khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tích cực ở sâu bên trong Syria, Ankara cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Moscow hơn bao giờ hết.

Báo Mỹ phân tích về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov (phải) ít phút trước khi bị ám sát. (Nguồn: Reuters)

Cũng theo Stratfor, nếu vụ ám sát Đại sứ Nga thực sự là phản ứng giận dữ trước sự can dự của Moscow trong việc tái chiếm thành phố Aleppo, thì đây chỉ là một hành động bạo lực trong phút quá khích, đặt trong bối cảnh những cuộc biểu tình phản đối Nga hầu hết là ôn hòa diễn ra tại các tòa nhà ngoại giao trên khắp thế giới.

Không thể đảo lộn đà cải thiện quan hệ...

Trong vài tháng qua, liên tục có thông tin về những vụ triệt phá âm mưu khủng bố nhằm vào người Nga. Ngày 1/8/2016, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kêu gọi tấn công Nga. Tháng 11/2016, các lực lượng an ninh Nga tiến hành một số vụ bắt bớ có liên quan đến những dân quân cực đoan tại Trung Á âm mưu tấn công những thành phố lớn ở Nga. Ngày 15/12 vừa qua, giới chức Nga phá tan được cái gọi là âm mưu tấn công vào một số mục tiêu ở Moscow.

Những âm mưu này có thể không liên quan trực tiếp đến vụ ám sát ngày 19/12, song tựu trung lại, chúng cho thấy rõ những mối đe dọa ngày càng tăng đối với công dân Nga. Mặc dù vậy, những nguy cơ này không chắc sẽ khiến Nga thay đổi cách tiếp cận của họ tại Syria.

Đồng quan điểm này, bài viết trên Bloomberg cũng cho rằng, vụ ám sát sẽ không làm đảo lộn đà cải thiện trong quan hệ giữa hai nước. Bài viết dẫn lời ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga, nói trên kênh Rossiya 24 rằng sẽ không có sự "đóng băng" mới trong quan hệ Moscow-Ankara, các cuộc đàm phán giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran xung quanh vấn đề Syria sẽ vẫn được xúc tiến theo đúng kế hoạch.

Thậm chí, trao đổi với Blooomberg qua điện thoại, bà Elena Suponina, nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga - một cơ quan chuyên tư vấn cho Điện Kremlin, còn khẳng định rằng vụ ám sát "sẽ chỉ càng đưa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau hơn" bởi lẽ nó cho thấy "chúng tôi có chung kẻ thù, đó là khủng bố và chỉ bằng cách phối hợp lực lượng thì chúng tôi mới có thể đối phó với kẻ thù này".

Báo Mỹ phân tích về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Tổng thống Putin và người đồng cấp Tayip Erdogan. (Nguồn: AP)

... hay lên một nấc thang khủng hoảng mới?

Ở chiều ngược lại, bài viết trên tờ The New York Times lại cho rằng vụ ám sát sẽ ngay lập tức đưa quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lên một nấc thang khủng hoảng mới xung quanh cuộc xung đột kéo dài tại Syria, quốc gia nằm sát biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ việc xảy ra vài ngày sau khi nổ ra các cuộc biểu tình do người Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ trước việc Nga ủng hộ Chính phủ Syria trong cuộc xung đột cũng như vai trò của Nga trong các vụ sát hại dân thường và phá hủy thành phố Aleppo, miền Bắc Syria. Bài viết lưu ý, hiếm khi có Đại sứ Nga bị ám sát, và các nhà sử học cho rằng đây có lẽ là vụ đầu tiên kể từ khi ông Pyotr Voykov, Đại sứ Liên Xô tại Ba Lan, bị bắn chết tại Warsaw hồi năm 1927.

Đối với nhiều người Nga, vụ ám sát ông Karlov có thể gợi nhớ lại vụ sát hại nhà ngoại giao Nga đồng thời cũng là nhà thơ Aleksandr Griboyedov tại Tehran hồi thế kỷ 19. Ông này đã bị sát hại sau khi một đám đông tràn vào Đại sứ quán của Nga. Vụ việc này được ghi nhớ như là sự lăng mạ nghiêm trọng nhất đối với ngành ngoại giao Nga trong suốt lịch sử nước này.

Theo Stratfor, Bloomberg, NY Times

Thế giới và Việt Nam