1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ: IS sớm muộn cũng sẽ sụp đổ

Ngoài sức ép mạnh mẽ về mặt quân sự từ các mặt trận, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng còn đứng trước những thách thức to lớn về mặt tổ chức và tư tưởng, sớm muộn cũng sẽ tự sụp đổ.

Lực lượng bán quân sự Iraq trong cuộc chiến chống IS
Lực lượng bán quân sự Iraq trong cuộc chiến chống IS

Phải đối mặt với chiến sự trên một loạt mặt trận, Quốc vương Hồi giáo tự xưng Abu Bakr Al-Baghdadi đã phải vật lộn để tạo ra một nhà nước trên thực tế, tập trung vào việc tiếp tục bành trướng hơn là thành lập một nền chính trị thể chế thực tế.

Về lý thuyết, IS có một hệ thống phân cấp về mặt tổ chức để "cai trị" lãnh thổ của chúng, song cấu trúc này phụ thuộc vào một số lượng ngày càng tăng các chiến binh Arab và nước ngoài, những kẻ tạp nham có mục tiêu và động cơ rất khác biệt đồng thời ít có khả năng hòa nhập với người dân địa phương. Nhiều báo cáo nói rằng người dân Syria và Iraq, vốn đang sống dưới sự cai trị của IS, nhận thấy cuộc sống ở “nhà nước” mới không phải là điều mà nhiều người đã hy vọng.

Washington sẽ đánh bại được IS một cách dễ dàng hơn bằng cách chờ đợi cho đến khi nhóm này tự sụp đổ từ bên trong?
Ngoài những thách thức về mặt tổ chức và ý thức hệ, IS còn phải đối mặt với một loạt thách thức về quân sự, trong đó có cả tỷ lệ ngày càng cao các chiến binh nước ngoài và tình trạng mất dần lãnh thổ. Cuộc vây hãm Tikrit hiện nay và cuộc tấn công Mosul gần đây đang làm hao mòn lực lượng của IS tại Iraq. Tuy nhiên, chỉ những cuộc tấn công này chưa thể loại bỏ IS khỏi Iraq, cho dù chí ít chúng cũng giúp đẩy nhóm này vào thế phòng thủ cho đến khi các cơ cấu mới của chính phủ có thể được thiết lập.

Ở Syria, sự kiểm soát lãnh thổ của IS hiện đang bị thách thức bởi cả một chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu và một chiến dịch mặt đất riêng biệt được thực hiện bởi quân đội Syria và Hezbollah. Nhóm này do đó sẽ ngày càng bị siết chặt về lãnh thổ và tài chính khi nó không thể tiếp cận các đô thị, các tuyến đường buôn lậu và các cơ sở dầu khí... Tuy nhiên, IS có khả năng tránh được một thất bại hoàn toàn ở Syria chừng nào một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đang diễn ra tại quốc gia này vẫn còn mờ mịt.

Thực trạng trên đặt ra câu hỏi: Liệu Baghdadi có thể duy trì được "nhà nước" của mình hay không khi nhân vật này ngày càng phải chịu nhiều sức ép, cả từ chiến trường lẫn trong nội bộ? Các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi có thể giữ được lãnh thổ và duy trì được sức mạnh tài chính, IS sẽ tự sụp đổ do những thiếu sót về mặt tổ chức và hệ tư tưởng.

Một chính phủ lâm chiến là một chính phủ không tập trung vào việc xây dựng nhà nước, và điều đó sẽ dẫn đến chia rẽ nội bộ và một cuộc chiến nhằm tranh giành các nguồn lực. Một "nhà nước" ngày càng được thúc đẩy và duy trì bởi chủ nghĩa cực đoan và bạo lực sẽ không bao giờ trở thành một nhà nước lý tưởng mà nhiều người trong số những người ủng hộ cấp tiến nhất của IS đang chiến đấu vì nó. Khi "quả bom hẹn giờ" này phát nổ, IS sẽ trở thành một đống đổ nát của Iraq và Syria.

Vì thế, sẽ là khôn ngoan hơn đối với Mỹ, phương Tây và các đối tác khu vực nếu họ tiếp tục củng cố chiến lược chống IS hiện nay trong khi tránh bị cám dỗ về một chiến dịch quân sự mới trên mặt đất tại Syria và Iraq, được đánh giá là chứa đựng không ít rủi ro và hạn chế.

Bất kể các sáng kiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các biện pháp chống khủng bố, Washington sẽ đánh bại được IS một cách dễ dàng hơn bằng cách chờ đợi cho đến khi nhóm này tự sụp đổ từ bên trong. Do đó, phương Tây giờ đây nên tập trung vào việc hỗ trợ các phương pháp quản trị mới cho Syria và Iraq, là những thứ có thể giúp mang lại một tương lai bền vững hơn là một tương lai đầy bạo lực và khắc khổ mà Baghdadi đã giới thiệu với người dân Syria và Iraq.

Theo Minh Đức/"National Interest"/baotintuc.vn